Truyền thông Triều Tiên đầu tuần này đăng ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm một khu liên hợp tại nước này, đánh dấu sự xuất hiện trở lại sau 40 ngày vắng mặt trước công chúng. Các hình ảnh cho thấy ông Kim phải sử dụng gậy chống khi di chuyển.
Việc ông Kim Jong-un không xuất hiện trong các sự kiện quan trọng trong 40 ngày trước đó đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông, cũng như khả năng có thay đổi trong bộ máy quyền lực tại Bình Nhưỡng.
"Bằng cách xuất hiện trở lại, ông Kim muốn cho cả thế giới biết ông vẫn còn điều hành nhà nước", Washington Post dẫn lời Koh Yoo-hwan, một giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, cho biết.
Theo ông John Delury, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei, Seoul, trong khi cây gậy là một sự thừa nhận thẳng thắn về vấn đề sức khỏe của ông Kim, nó cũng là một cách khéo léo để biến điểm yếu thành lợi thế. Việc lựa chọn cây gậy còn mang ý nghĩa về tuổi tác và sự khôn ngoan, khác với việc dùng xe lăn hoặc nạng.
Ông Kim Jong-un sinh năm 1983. Khi ông lên nắm quyền gần ba năm trước, truyền thông nước này cố gắng nhấn mạnh tuổi đời còn trẻ của ông là minh chứng cho sức mạnh.
"Bây giờ, họ có một vấn đề rằng một người mới ngoài 30 tuổi lại bước đi khập khiễng, vì vậy, họ biến nó thành một cách để chứng tỏ ông Kim phải hy sinh cho dân tộc. Đồng thời, nó cũng thể hiện nhà lãnh đạo trẻ đang ngày càng chín chắn, vì cây gậy là vật dụng biểu tượng cho một quý ông".
Điều đó khiến Kim Jong-un mang dáng dấp như cha và ông nội mình, những người được truyền thông nước này miêu tả là các nhà lãnh đạo qua đời khi đang cống hiến tận tụy cho đất nước. Cây gậy còn khiến nhà lãnh đạo trẻ thêm phần sang trọng.
Kim Yong Hyun, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, Seoul cũng đồng ý rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể muốn biến cây gậy thành một biểu tượng thể hiện rằng ông đặt hạnh phúc của người dân lên trước bản thân.
"Ông Kim đang chứng tỏ nếu ông ấy vẫn đủ khỏe mạnh để ra ngoài gặp gỡ người dân, ông không ngại chống gậy khi di chuyển. Ông Kim cũng muốn nhanh chóng dập tắt những tin đồn về quyền lực của mình, bằng cách tái xuất trước khi hồi phục hoàn toàn", Bloomberg dẫn lời giáo sư Kim.
"Những người dân thường sẽ thấy ông gần gũi hơn và thông cảm cho ông", Daniel Pinkston, nhà phân tích Triều Tiên tại Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, cho biết. Bộ máy tuyên truyền nước này có thể sử dụng sự tái xuất của ông làm bằng chứng cho thấy rằng ngay cả những nhà lãnh đạo cũng phải đối mặt với thách thức, và ông Kim đã chiến thắng chúng.
Theo Pinkston, các bức ảnh cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa ông Kim và cha mình. "Cha ông luôn giữ khoảng cách với cấp dưới, nhưng Kim Jong-un lại bắt tay, quàng vai, vỗ lưng các nhân viên. Ông ấy có phong cách giống như Bill Clinton hay Tony Blair", ông nhận định.
Sự trở lại của Kim Jong-un cũng gửi một thông điệp rất quan trọng từ Bình Nhưỡng đến thế giới.
"Đây là một minh chứng cho quyền lực mạnh mẽ của ông Kim. Nó bền vững hơn những gì các nhà quan sát nghĩ", Wall Street Journal dẫn lời Peter Beck, một chuyên gia kỳ cựu về Triều Tiên tại Học viện Thế giới quan mới ở Seoul, cho biết. "Việc không có gì xảy ra khi ông Kim vắng mặt đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải suy nghĩ lại về quan điểm cho rằng Triều Tiên không ổn định", ông nói.
Thay đổi dưới thời Kim Jong-un
Sự kiện nhà lãnh đạo Triều Tiên xuất hiện trở lại trước công chúng còn thể hiện rằng đất nước bí ẩn này đang ngày càng minh bạch về thông tin hơn dưới thời ông Kim Jong-un.
Việc truyền thông nước này đăng ảnh ông chống gậy khi thị sát là một sự thay đổi lớn, vì bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên vốn luôn miêu tả Kim Jong-un, cha và ông nội của ông là "vô cùng khỏe mạnh". Trong quá khứ, điều này có nghĩa là báo giới không được đưa tin các nhà lãnh đạo lâm bệnh. Khi truyền thông phương Tây cho rằng cố Chủ tịch Triều tiên Kim Jong-il bị đột quỵ vào năm 2008, báo giới nước này chưa bao giờ thừa nhận điều đó, họ chỉ công bố hình ảnh khi ông hoàn toàn khỏe mạnh. Cố chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung, ông nội của Kim Jong-un, cũng luôn cẩn thận khi chụp ảnh.
Theo Lim Byung-cheol, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, truyền thông nhà nước Triều Tiên chưa bao giờ đăng ảnh ông Kim Jong-il hay ông Kim Il-sung dùng gậy hoặc nạng.
Một ví dụ khác về sự cởi mở về thông tin của Triều Tiên là cuộc thanh trừng công khai chú rể của lãnh đạo Kim Jong-un, ông Jang Song-thaek hồi tháng 12/2012. KCNA và Rodong Sinmun ngày 9/12/2013 công bố một loạt các tội danh của ông Jang. Cùng ngày, truyền hình nước này còn phát những hình ảnh khi ông Jang bị bắt tại một cuộc họp đảng. Vài ngày sau đó, truyền thông Triều Tiên đưa tin ông Jang bị xét xử bởi tòa án quân sự đặc biệt của Bộ An ninh và đã thừa nhận tất cả tội danh. Sau đó, ông Jang bị kết án và xử tử.
Andrei Lankov, một chuyên gia người Nga về Triều Tiên, vào thời điểm đó đã khẳng định việc công khai vụ xét xử ông Jang là "chưa có tiền lệ trong lịch sử Triều Tiên". Ông Lankov giải thích rằng "kể từ cuối những năm 1950, tất cả các cuộc thanh trừng ở nước này đều được thực hiện bí mật, truyền thông không đề cập trực tiếp và chỉ nhắc đến vụ việc rất lâu sau khi nó xảy ra. Ngay cả vào đầu những 1950, khi việc thanh trừng quan chức Triều Tiên được công khai, báo giới nước này cũng chỉ đưa ra những bài tin ngắn gọn với rất ít chi tiết. Việc công khai xử lý ông Jang thật sự chưa có tiền lệ".
Hồi tháng 4/2012, Triều Tiên phóng một vệ tinh bằng tên lửa tầm xa để kỷ niệm một trăm năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Il-sung. Bình Nhưỡng sau đó thông báo vệ tinh không bay vào quỹ đạo được định trước. Theo New York Times, đây là lần đầu tiên chính quyền của ông Kim Jong-un thừa nhận thất bại trong một vụ phóng tên lửa tầm xa.
Tương tự, khi một tòa nhà chung cư 23 tầng bị sập ở Bình Nhưỡng hồi tháng 5, Triều Tiên thừa nhận rằng nó được "xây dựng cẩu thả" và "giới giám sát công trình vô trách nhiệm trong công việc". Một ngày sau khi vụ việc xảy ra, báo giới nước này đăng ảnh các quan chức "cúi rạp người xin lỗi" một đám đông người dân tại công trường xây dựng. Đây là một trong vài lần hiếm hoi truyền thông Triều Tiên đưa tin về sự kiện có tính chất tiêu cực.
Bình Nhưỡng gần đây còn thừa nhận nước này có "trại cải tạo lao động", mặc dù mô tả nó khá khác với lời kể của những người trốn khỏi nước này. Triều Tiên cũng bắt đầu tham gia với Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền, mặc dù theo cách hạn chế nhất.
Ngoài ra, trong khi ông Kim Jong-il khá kín đáo về cuộc sống cá nhân, ông Kim Jong-un đã công khai vợ ông, phu nhân Ri Sol-ju, chưa đầy một năm sau khi trở thành lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.
"Bình Nhưỡng có dấu hiệu cởi mở hơn, ít bí ẩn hơn", ông Delury nhận xét.
Tuy nhiên, theo The Diplomat, sự minh bạch trong thông tin này không thể hiện sự thay đổi trong chính quyền, mà là trong xã hội nước này. Nhiều người dân Triều Tiên hiện có thể truy cập tin tức và thông tin từ các nguồn nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, và các nơi khác. Bình Nhưỡng nhận ra rằng công dân nước mình sẽ được biết về các sự kiện quan trọng như một vụ phóng tên lửa thất bại hay ông Kim Jong-un bị ốm. Do đó, họ tự công khai những thông tin này theo cách họ muốn cho người dân Triều Tiên, thay vì để báo nước ngoài làm điều đó.
Phương Vũ