Seoul cho đến nay vẫn không "chìm trong biển lửa" dù Bình Nhưỡng thường xuyên đe dọa như vậy. Tuy nhiên, căng thẳng lần này có điểm khác những lần trước. Triều Tiên tỏ ra kiên quyết trong việc thực hiện lời đe dọa tấn công và còn nêu rõ ràng thời hạn trong tối hậu thư. Những động thái này làm dấy lên lo ngại rằng Triều Tiên có thể thực sự thực hiện những điều họ tuyên bố.
Ngay cả khi đang tiến hành đàm phán với Hàn Quốc, thì theo thông tin quan sát từ phía Seoul, Triều Tiên vẫn có những động thái được cho là chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu như điều tàu bổ bộ, triển khai tàu ngầm, gia tăng pháo binh ở biên giới.
Không chỉ có vậy, lo ngại còn đến từ sự khó đoán về quyết định của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Các lãnh đạo trước đây của Triều Tiên, ông Kim Nhật Thành và ông Kim Jong-il, đều là những bậc thầy trong việc sử dụng chính sách "bên miệng hố chiến tranh", tức là họ biết chơi một trò chơi nguy hiểm, đẩy những lời đe dọa và hành vi khiêu khích đến ngưỡng căng thẳng nhưng không nổ ra xung đột, nhằm đạt được sự nhượng bộ và đòi viện trợ từ đối phương.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là chưa đủ kinh nghiệm và sự khôn khéo để thực hiện chính sách đó. Giới phân tích còn cho rằng, ông chưa có một nhà cố vấn tốt, căn cứ vào các vụ thanh trừng quan chức chính phủ và quân đội cấp cao gần đây.
Với hàng chục nghìn lính và thiết bị quân sự Triều Tiên tập trung dọc biên giới liên Triều có phạm vi tấn công vươn đến Seoul, thì sự khó đoán này sẽ khiến lời đe dọa chiến tranh khó có thể bị coi nhẹ, dù nhiều tuyên bố trước đó đều không trở thành sự thật.
Trong vài thập kỷ gần đây, hai miền Triều Tiên từng xảy ra các cuộc chạm trán nhỏ có thương vong nhưng chưa từng leo thang thành chiến tranh. Tuy nhiên, nguy cơ sự việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát hiện lớn hơn trước, vì Hàn Quốc đã yêu cầu quân đội đáp trả mạnh hơn nếu bị tấn công, kể từ sau khi pháo binh Triều Tiên năm 2010 bất ngờ tấn công, khiến 4 lính Hàn Quốc thiệt mạng.
Dù vậy, vẫn có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng sẽ giảm nhiệt. Việc đáp trả bằng ngôn từ hay những tuyên bố thể hiện ý chí sẵn sàng nghiền nát kẻ thù của quân đội và dân chúng Triều Tiên phần lớn nhắm vào đối tượng khán giả nội bộ. Đẩy căng thẳng đến mức xung đột quân sự đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ phải chịu rủi ro lớn.
Hơn 28.000 quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Cả Washington và Seoul đều bỏ xa Bình Nhưỡng về công nghệ và tính năng vũ khí. Triều Tiên vẫn có thể gây thiệt hại cho Hàn Quốc bằng những khẩu pháo cũ kỹ nếu tấn công dồn dập trong cự ly gần, nhưng chiến tranh sẽ khó có thể nghiêng về hướng có lợi cho Bình Nhưỡng.
Trước đây, Triều Tiên từng tạo ra các kịch bản "giữ thể diện" và rút lại từ bờ vực chiến tranh. Hai bên dường như sắp nổ ra xung đột thì sau đó lại xuống thang và rút vũ khí về.
Một lý do khác là 80.000 quân Mỹ và Hàn Quốc đang tham gia tập trận thường niên. Dù Triều Tiên khó chịu với cuộc tập trận này thì đây rõ ràng là thời điểm không thích hợp để gây chiến.
"Điều khó khăn nhất là hai bên còn chưa thống nhất về bản chất vấn đề dẫn đến căng thẳng hiện nay", Steve Evans, phóng viên BBC thường trú tại Hàn Quốc nói. Trong khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên là bên nã pháo trước, châm ngòi căng thẳng hôm 20/8, thì Bình Nhưỡng lại bác bỏ các cáo buộc này.
"Cuộc đàm phán sẽ không giảm bớt mức độ hùng hổ trong tuyên bố của cả hai bên. Tuy nhiên, họ có thể tìm ra cách để rút lui an toàn khỏi tình trạng nguy hiểm hiện nay, trước khi chiến tranh nổ ra", ông nói.
Minh Châu (theo AP)