Theo Daily Beast, trước khi Aziz Ehsan, người Iraq 46 tuổi bị bắt gần Naples, Italy, hôm 22/3, cảnh sát chống mafia địa phương đã theo dõi nghi phạm này trong suốt nhiều ngày để tìm hiểu vì sao y lại xuất hiện ở miền đất "thánh địa" của băng đảng mafia Camorra.
Ehsan bị cả mật vụ Bỉ và Pháp theo dõi vì có liên quan đến nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ehsan còn bị truy nã tại Thụy Sĩ do dính líu tới một loạt tội danh, bao gồm làm giả giấy tờ, tấn công và sở hữu vũ khí phi pháp.
Ehsan rõ ràng là loại nghi phạm mà giới chức Italy tin rằng có thể cung cấp manh mối giá trị, khi họ đang nỗ lực điều tra mối quan hệ phức tạp giữa các phần tử jihad và các băng nhóm tội phạm Italy. Khi các vụ tấn công xảy ra tại Brussels hôm 22/3, cơ quan chức năng tin rằng đã tới lúc phải "cất lưới" và tóm gọn tên này.
Aziz Ehsan bị bắt khi đang ngủ trong một chiếc ôtô biển số Italy, đăng ký dưới tên một người đã qua đời. Y đang chờ bị dẫn độ sang Thụy Sĩ, Pháp hoặc Bỉ.
Ehsan khai rằng y tới khu vực gần Naples để tìm những khách sạn hạng sang cho những du khách giàu có người Iraq nhưng cảnh sát không tin điều đó. Ehsan đã sinh hoạt trên ôtô suốt nhiều ngày. Họ cũng chỉ ra rằng tên này không hề mang theo máy tính xách tay, máy tính bảng hoặc sổ tay - những vật dụng thường được dùng khi đi khảo sát. Việc tên này sử dụng điện thoại di động trả trước, dùng một lần, vốn thường thấy ở các phần tử jihad phương Tây, cũng là dấu hiệu nữa cho thấy y không tới Naples để tìm khách sạn 5 sao.
"Chúng tôi bắt được một công dân Iraq tại gần Naples. Tên này nằm trong diện theo dõi của mật vụ Pháp và Bỉ", Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano tuyên bố sau vụ bắt giữ. "Hắn ta có liên hệ với khủng bố".
Sự có mặt của Ehsan tại Italy được cho là không đặt ra mối đe dọa cận kề với bất kỳ ai tại quốc gia này, nhưng lại đặc biệt đáng chú ý khi châu Âu đang thất thế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố do IS kích động.
Cơ quan chức năng muốn biết liệu Ehsan có tới đó để thực hiện thương vụ nào hay không, đặc biệt là khả năng tên này hợp tác với băng đảng Camorra để mua giấy tờ giả hoặc vũ khí phi pháp. Đây vốn đều là những "món hàng" đem lại lợi ích lớn cho các băng đảng ở Naples.
Đối tác
Kể từ sau các vụ tấn công tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở Paris tháng 1/2015, các cơ quan chống khủng bố và chống mafia Italy đã lần ra những mối quan hệ lâu dài giữa một số chiến binh jihad và băng đảng Camorra tại Naples. Họ cũng phát hiện mối liên hệ giữa chiến binh jihad với nhóm Cosa Nostra ở Sicilia và băng nhóm 'Ndrangheta ở Calabria, sau khi lần theo những vũ khí được tuồn lậu từ các nước Nam Tư cũ, cùng một số quốc gia châu Phi tới các cảng của Naples một cách dễ dàng.
Cảnh sát chống mafia Italy đã tiến hành ba vụ bắt giữ lớn trong 12 tháng qua, tịch thu nhiều kho vũ khí, trong đó có súng AK-47, súng bán tự động, áo giáp cùng hàng trăm băng đạn khi chúng sẵn sàng được bán cho các đầu mối liên quan đến khủng bố. Cơ quan chức năng còn phát hiện bảng giá cho một loạt vũ khí, từ 250 EUR (280 USD) tới 300 EUR (335 USD), được in bằng tiếng Arab, Pháp và Italy.
"Naples từ nhiều năm qua là một trung tâm hậu cần cho Trung Đông. Băng đảng Camorra cũng hoạt động mạnh trong thế giới của những phần tử khủng bố jihad, vốn thường đi qua Naples", Franco Roberti, một công tố viên chống mafia nổi tiếng nói với Daily Beast khi các vụ tấn công Brussels xảy ra. "Naples tự đẩy mình vào dạng hoạt động này. Trước đây từng có những cuộc liên lạc giữa các phần tử jihad và các băng nhóm thuộc Camorra".
Ông Roberti cho biết các lực lượng chống mafia "đã triệt phá nhiều âm mưu và quan hệ cấu kết" giữa các phần tử khủng bố và những tên tội phạm xã hội đen. Tuy nhiên, họ cũng không rõ họ đã để lọt lưới bao nhiêu tên.
Băng đảng Camorra "phát đạt" nhờ hoạt động buôn bán ma túy, vũ khí trái phép và làm giả giấy tờ, giúp hầu như bất kỳ ai muốn xâm nhập châu Âu cũng có thể dễ dàng vượt qua những biên giới bị kiểm soát nghiêm ngặt nhất. Và chắc chắn rằng khách hàng của chúng không chỉ có người Italy.
"Chúng tôi có bằng chứng cho thấy các nhóm của Camorra có liên quan tới một vụ đổi vũ khí lấy ma túy với những kẻ khủng bố", Pierluigi Vigna, công tố viên quốc gia phụ trách chống mafia của Italy từng khẳng định trước khi qua đời năm 2012.
Những bức điện mật được Wikileaks tiết lộ cũng ám chỉ rằng, chính phủ Mỹ từ lâu đã biết mối liên hệ giữa những kẻ khủng bố và mafia. Trong một bức điện, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) viết: "Mối quan hệ giữa các nhóm tội phạm có tổ chức tại Italy với các nhóm Hồi giáo cực đoan giúp những phần tử khủng bố tiềm tàng có thể tiếp cận với nguồn tiền, hậu cần từ các tổ chức tội phạm đã tạo dựng được tuyến đường buôn lậu, cũng như sự hiện diện tại Mỹ".
Cơ quan điều tra tin rằng những vụ đưa các phần tử jihad đến khắp châu Âu là một trong những hoạt động rất khó bị trấn áp. Mùa hè năm ngoái, tên Salah Abdeslam, kẻ bị bắt giữ hai tuần trước vì có liên quan đến vụ khủng bố tháng 11 năm ngoái tại Pháp, từng tự do đi lại qua Italy, nhờ một mạng lưới vận chuyển các đối tượng khủng bố được mafia bảo trợ.
Giới chức Italy cho biết Aziz Ehsan đã lên một chiếc phà tại thành phố Bari để tới Hy Lạp hồi tháng 8 năm ngoái, và sử dụng thẻ ghi nợ trả trước của Italy cho đến khi xảy ra vụ tấn công Paris. Trong cả hai vụ việc, lực lượng hành pháp khẳng định tên này đều dùng giấy tờ giả của Italy.
Việc một kẻ bị truy nã gắt gao tại châu Âu có thể di chuyển tự do thực sự đáng lo ngại. Nhưng việc vũ khí được tuồn lậu vào Italy, cuối cùng được đem ra sử dụng trong những vụ tấn công tại các thủ đô châu Âu, cũng đáng ngại không kém.
Michele del Prete, một quan chức chống khủng bố Italy chuyên điều tra mối liên hệ giữa các nhóm tội phạm có tổ chức và phần tử jihad vũ trang, cảnh báo rằng hai lực lượng này đã thiết lập quan hệ đối tác.
"Tình trạng hỗn độn tại Naples tạo ra điều kiện thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ hậu cần, trao đổi vũ khí và làm giấy tờ giả", ông Prete nói. "Có những nhóm chuyên nghiệp hoạt động tại nhiều tỉnh và thành phố khác nhau đang hỗ trợ khủng bố".
Xem thêm: Khủng bố Bỉ thổi bùng tranh cãi về hiệp định tự do đi lại của EU
Hoàng Nguyên