Erawan, nơi vừa hứng chịu vụ đánh bom đẫm máu khiến ít nhất 22 người thiệt mạng cùng hơn 100 người khác bị thương, là ngôi đền nổi tiếng dành cho người theo đạo Hindu, nằm ở trung tâm thủ đô Bangkok, Thái Lan. Địa điểm này thu hút nhiều khách du lịch tham quan và chiêm bái. Ngôi đền được xây từ năm 1956, trưng bày bức tượng vàng Brahma nổi tiếng, tượng trưng cho vị thần sáng tạo của người Hindu.
Đền nằm tại giao lộ sầm uất, đối diện với Central World, một trong những khu thương mại lớn nhất thế giới. Theo phóng viên Saima Mohsin từ CNN, khu vực này "từng xảy ra nhiều bất ổn". Vụ nổ bom xảy ra vào khoảng 19h, thời điểm mà rất nhiều người ghé qua đền Erawan trên đường từ nơi làm việc về nhà. Du khách cũng thường tập trung xung quanh đền để xem các vũ công người Thái biểu diễn múa truyền thống.
Giới quan sát đánh giá cuộc tấn công nhắm tới nhiều mục đích khác nhau nhưng trong đó phá hoại về kinh tế là ưu tiên hàng đầu.
Phá hoại kinh tế
Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan hôm qua lên án những kẻ đánh bom âm mưu làm mất thể diện chính phủ và gây tổn hại đến nền kinh tế.
Theo CNN, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch của Thái Lan sẽ chịu tổn thất không nhỏ bởi vụ nổ. Vụ việc xảy ra khi ngành du lịch đang trong giai đoạn hồi phục sau khủng hoảng. Chính quyền muốn tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch để bù đắp những mất mát gây ra bởi các cuộc biểu tình, tình trạng thiết quân luật và đảo chính hồi năm ngoái. Song, vụ nổ bom sẽ khiến nỗ lực trên trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi mùa du lịch cao điểm chỉ còn cách vài tháng nữa.
Bàn về tác động của vụ nổ bom ở trung tâm Bangkok, ông Pierce Haney, trưởng phòng Đông Nam Á thuộc công ty lữ hành Easy Tours, Mỹ, nhận định "sự việc chắc chắn ảnh hưởng nhiều hơn tới ngành du lịch. Những vụ đánh bom trước đây dường như đã thất bại nhưng lần này họ sẽ đạt được mục đích".
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng sự việc hôm qua sẽ làm giảm lượng khách đến với Thái Lan, tuy nhiên chỉ trong ngắn hạn. "Những vụ việc kiểu này nhìn chung chỉ có tác động trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi", từ một đến hai tháng, ông Haney cho hay.
Phản ứng của chính quyền
Theo ông Zachary Abuza, nhà phân tích độc lập chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh và chính trị Đông Nam Á, chính quyền quân sự Thái Lan sẽ phải hành động cứng rắn và kiên quyết trước sự kiện lần này. Trong bối cảnh chính quyền không được đại bộ phận người dân ủng hộ bởi những thất bại, yếu kém trong khâu quản lý xã hội và phát triển kinh tế, họ cần tiến hành việc điều tra một cách chuyên nghiệp và minh bạch nhất có thể để chứng minh khả năng, đồng thời lấy lại danh tiếng.
Bên cạnh đó, theo CNN, an ninh cũng sẽ được thắt chặt nhằm đảm bảo một vụ đảo chính như hồi năm ngoái không tái diễn.
Nhưng Thủ tướng Prayuth Chan-ocha mặt khác lại không mong muốn lực lượng cảnh sát và quân đội xuất hiện quá dày đặc nhằm thể hiện khía cạnh "mềm mại" của Thái Lan trước các đồng minh phương Tây và khách du lịch.
Nhà chức trách "đang cố gắng để giữ vững hình ảnh về một Bangkok mến khách và thân thiện", nhà phân tích từ Quỹ châu Á - Thái Bình Dương (APF), viện chính sách có trụ sở ở London, bình luận.
Nếu chính quyền tăng cường an ninh, động thái này sẽ góp phần giúp các phần tử khủng bố đạt được mục tiêu gây ra tình trạng khủng hoảng. Tuy nhiên, "nếu không đảm bảo an ninh, nguy cơ những cuộc tấn công khác xảy ra là rất cao", chuyên gia từ APF nhận xét. "Những kẻ khủng bố muốn khuấy đảo tình trạng hỗn loạn nhằm làm thay đổi lối sống và cách tư duy của người dân".
Đối tượng tình nghi
Theo chuyên gia Elliot Brennan từ Viện Nghiên cứu và cố vấn chiến lược Lowy tại Australia, những kẻ tấn công thuộc phe Áo Đỏ hay các phần tử đòi ly khai ở miền nam Thái Lan là đối tượng tình nghi hàng đầu có thể gây ra vụ việc.
Những tháng gần đây ở khu vực miền nam Thái Lan liên tục nổ ra các cuộc tấn công sử dụng thiết bị nổ tự chế (IED) được cho là do các phần tử Hồi giáo ly khai thực hiện. Chỉ tính riêng trong tháng 7 đã có tới 27 vụ tấn công kiểu như vậy ở khu vực này. Thực tế trên khiến nhiều người nghi ngờ có khả năng lực lượng này đang muốn tiếp tục gây sức ép với chính quyền và nhằm vào trung tâm thủ đô Bangkok sẽ giúp họ gây tiếng vang lớn hơn.
Nhưng ông Brennan cũng nhấn mạnh không nên bỏ qua vai trò của phe Áo Đỏ trong sự việc lần này. Đại diện cảnh sát Thái Lan cho biết thiết bị gây ra vụ nổ hôm qua ở ngôi đền Erawan là một dạng bom ống được nhồi 3 kg thuốc nổ TNT. Hồi tháng hai, phe Áo Đỏ bị cáo buộc thực hiện một cuộc tấn công sử dụng loại bom ống tương tự, nhưng với khối lượng thuốc nổ nhỏ hơn nhằm vào khu vực gần trung tâm mua sắm Siam Paragon. Hành động này nhằm thể hiện sự bất bình đối với chính quyền quân sự Thái Lan.
Phe Áo Đỏ và những người biểu tình chống chính quyền trước đây cũng đã cho thấy quyết tâm thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu. Trong một cuộc biểu tình hồi năm ngoái, phe này đã ném nhiều lựu đạn vào khu lán trại của phe đối lập.
Bên cạnh đó, giới chức Thái Lan cũng cân nhắc tới khả năng vụ đánh bom là hành động của các đối tượng tấn công khủng bố nước ngoài. Tướng Somyot Poompanmuang, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, khẳng định cảnh sát không loại trừ bất cứ khả năng nào, trong đó có chính trị và cuộc xung đột của người Duy Ngô Nhĩ.
Theo BBC, nhóm người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Trung Quốc hiện rất bất bình với chính phủ Thái Lan bởi Bangkok hồi tháng trước trục xuất 109 người của họ về nước.
Vũ Hoàng