Khi cuộc cạnh tranh lôi kéo cử tri giữa hai ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ diễn ra ngày càng quyết liệt, cộng đồng người gốc Việt và gốc Philippines đông đảo ở Mỹ có thể mang lại lợi thế đáng kể cho bà Clinton, người được đánh giá là có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, theo Inquirer.
Trong một bài viết bày tỏ sự ủng hộ chính sách "xoay trục sang châu Á" của Tổng thống Barack Obama trên Foreign Policy năm 2011, cựu ngoại trưởng Mỹ Clinton đã khẳng định rằng tương lai chính trị Mỹ sẽ được quyết định ở châu Á, chứ không phải ở Afghanistan hay Iraq.
Bất chấp tình hình hỗn loạn ở Trung Đông đang làm chệch hướng chính sách xoay trục của ông Obama, giới phân tích cho rằng nếu đắc cử tổng thống, bà Clinton sẽ tiếp tục củng cố chiến lược này để duy trì vị thế của Mỹ trong khu vực và đảm bảo rằng Washington vẫn đứng ở "trung tâm của mọi hoạt động".
Quan điểm này của bà Clinton chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người Mỹ, đặc biệt là cộng đồng gốc Việt và Philippines, những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.
Sự liên kết của hai cộng đồng cử tri
Theo bình luận viên Andrew Lam, sợi dây kết nối cơ bản giữa các cử tri người Mỹ gốc Việt và gốc Philippines chính là việc các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông có thể đe dọa tới sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương. Mối lo ngại này đủ trở thành động lực thúc đẩy họ đi bỏ phiếu tại các bang mà hai cộng đồng này đang có số lượng ngày càng tăng, và là nơi kết quả bỏ phiếu thường có sự chênh lệch rất ít.
Ví dụ như Florida, một bang đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Tổng thống George W. Bush vào năm 2000 với mức chênh lệch chỉ là 536 phiếu bầu. Hiện có khoảng 200.000 người Mỹ gốc Việt và Philippines đang sinh sống ở bang này.
Tại bang Nevada, nơi các cử tri còn đang do dự, số lượng người Mỹ gốc Philippines ước tính khoảng 120.000 người. Trong khi đó, tổng số người Mỹ gốc Việt và Philippines tại bang Georgia có khoảng 80.000 người.
Những gì từng diễn ra ở bang Florida năm 2000 cho thấy chỉ một vài trăm phiếu cử tri cũng có thể làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử tổng thống, ông Lam nhận định.
Trước thực tế này, giới phân tích cho rằng cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong thời gian tới sẽ nỗ lực vận động, thu hút các cử tri gốc Philippines và Việt Nam tại Mỹ. Theo một cuộc thăm dò được tổ chức phi chính trị APIA Vote tiến hành hồi tháng 5, cộng đồng người Mỹ gốc Á thường ít được quan tâm hơn so với các cộng đồng nhập cư khác.
Lợi thế
Theo khảo sát của APIA Vote, tỷ lệ các cử tri Mỹ gốc Á ủng hộ bà Clinton là 62%, và tỷ lệ phản đối ông Trump là 61%.
Nhiều người lo ngại rằng với tư tưởng thực dụng, nếu đắc cử, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump rất có thể sẽ thỏa hiệp với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để đổi lại các lợi ích về thương mại với nền kinh tế thứ hai thế giới này.
Hôm 11/8, ông Trump còn tuyên bố Philippines là một "quốc gia khủng bố", có thể đe dọa đến an ninh của Mỹ. Bình luận của tỷ phú đã thổi bùng tâm lý giận dữ trong cộng đồng người Philippines tại Mỹ cũng như tại quê nhà, nơi một nghị sĩ còn đề xuất "cấm cửa vĩnh viễn" ông Trump tới quốc gia này.
Andrew Lam cho rằng, với tỷ lệ ủng hộ như trên, cộng với lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, bà Clinton có thể thu được lợi thế đáng kể trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Để hiện thực hóa lợi thế đó trong chiến dịch tranh cử, bà Clinton cần nhắc nhở những người Mỹ gốc Việt và Philippines về các thành tích bà đã đạt được ở châu Á, về những cam kết của bà đối với chính sách xoay trục của Mỹ tới châu lục này, cũng như quan điểm cứng rắn với tham vọng chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Bà cần thuyết phục cộng đồng cử tri này rằng nếu Donald Trump đắc cử, ông sẽ không thể lãnh đạo nước Mỹ với những chính sách lạc lõng và thiếu an toàn, rằng ứng viên đảng Cộng hòa sẽ khiến Mỹ và các đồng minh trở nên mất đoàn kết, tạo cơ hội cho Trung Quốc trỗi dậy ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Chính trị là công việc nội bộ quốc gia. Tuy nhiên, với xu hướng dịch chuyển về nhân khẩu hiện nay, công việc nội bộ này cũng bị ảnh hưởng bởi các chính sách đối ngoại. Đối với bà Clinton, việc đảm bảo an ninh cho Biển Đông có thể sẽ là chìa khóa giúp bà mở rộng thêm cánh cửa bước vào Nhà Trắng", bình luận viên Lam khẳng định.
Xem thêm: Đối phó Trung Quốc ở Biển Đông, Hillary Clinton sẽ rắn hơn Obama.
Nguyễn Hoàng