Bài diễn văn nhậm chức của Donald Trump không nhắc đến Trung Quốc nhưng rõ ràng ẩn chứa thông điệp báo hiệu những căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, theo Irish Times.
Theo cây bút Clifford Coonan, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản ứng thận trọng với màn ra mắt của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
"Rõ ràng, chính quyền Trump sẽ châm nhiều ngọn lửa trước thềm và trên khắp thế giới. Hãy chờ xem khi nào sẽ đến lượt Trung Quốc", tờ Global Times, một phụ san của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong một bài xã luận. Global Times cũng dự báo chắc chắn rằng những thời khắc khó khăn đang chờ đợi phía trước đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Trên trường quốc tế, Trump có thể điều chỉnh chính sách ngoại giao theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp Mỹ, làm mờ đi ranh giới lý tưởng hoặc các giá trị chính trị. Xích mích giữa Mỹ và các đồng minh cũng như các căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc dường như không thể tránh khỏi trong vòng 4 năm tới", bài xã luận viết.
Trong quá trình vận động tranh cử, Trump đã cáo buộc Trung Quốc "cưỡng bức" thương mại Mỹ bằng hàng hóa xuất khẩu giá rẻ và ông cũng liên tục công kích Bắc Kinh thao túng tiền tệ dù ông không thực hiện lời cam kết sẽ chính thức chỉ đích danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vào ngày đầu tiên lên nắm quyền tổng thống.
Dù Trung Quốc đã quen thuộc với những lời kích động mạnh của Trump trong các vấn đề thương mại, việc Trump quyết định nhận cuộc gọi chúc mừng đắc cử của bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan vào tháng 12/2016 đã chọc giận Bắc Kinh. Mỹ từ năm 1979 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan bởi Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Bài xã luận của Global Times tương đối thận khi nói rằng: "Dù Trump dành nhiều thời gian để đề cập đến Trung Quốc trong năm qua, chính sách thực sự của ông đối với Trung Quốc vẫn chưa định hình. Rõ ràng chính quyền Trump muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và dời các nhà máy từ Trung Quốc về Mỹ. Đài Loan chỉ là quân bài mặc cả để Washington gây sức ép thương mại đối với Bắc Kinh".
Cảnh báo
Một bài xã luận của Xinhua nhấn mạnh địa vị trước đây của Trump là một lãnh đạo doanh nghiệp và kêu gọi tân tổng thống Mỹ có cái nhìn thực dụng.
"Là một doanh nhân nổi tiếng và lão làng, tân lãnh đạo ở Washington hiểu rõ hơn ai hết những lợi ích của mối quan hệ đối tác Trung - Mỹ vững mạnh. Vậy nên, ông ấy chắc chắn hiểu rằng đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ và có thể giúp tạo ra nhiều việc làm hơn cho nước họ", bài xã luận nhắc nhở.
Dù Trump chỉ trích rằng Trung Quốc chưa làm đủ để ngăn chặn đồng minh Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân, bài xã luận của Xinhua cho rằng Trump không thể "tìm được một đối tác sẵn sàng và cam kết, có đủ tầm ảnh hưởng và nguồn lực hơn Trung Quốc".
Và trong một dấu hiệu cho thấy mọi việc vẫn diễn ra bình thường ở Trung Quốc bất chấp lễ nhậm chức của Trump vào cuối tuần vừa qua, bài xã luận nói rằng quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận "mà không màng đến sức ép và các khiêu khích của nước ngoài". Bài xã luận khẳng định các cuộc tập trận hải quân chẳng hạn cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan có sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh, sẽ trở thành hoạt động bình thường.
Bài xã luận kết luận bằng một giọng điệu cảnh báo việc áp dụng thuế phạt đối với hàng hóa xuất khẩu từ đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và dán nhãn Trung Quốc là một quốc gia thao thúng tiền tệ chỉ dẫn đến hành động trả đũa.
"Rất hy vọng chính quyền Trump có thể cân nhắc các lợi ích của nước Mỹ cũng như toàn thể thế giới và bắt đầu hướng đến mục tiêu hợp tác hai bên cùng có lợi với Trung Quốc càng sớm càng tốt", bài xã luận viết.
Hồng Vân