Bay từ Hawaii đến Bắc Kinh, đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton cùng một vài phụ tá và cố vấn vẫn làm việc trong đêm để soát lại bài phát biểu cho Hội nghị thế giới của Liên Hợp Quốc về Phụ nữ lần thứ 4 năm 1995.
Theo AP, chuyến đi Trung Quốc của bà gây nhiều tranh cãi. Một số người phản đối đệ nhất phu nhân Mỹ tham gia vào vấn đề đòi hỏi ngoại giao khéo léo và phát biểu về những vấn đề như vi phạm nhân quyền. Một số người trong quốc hội Mỹ gọi hội nghị là "phản giá trị gia đình" và cảm thấy Mỹ không nên tham gia sự kiện. Một số người lo sợ Mỹ sẽ làm mất lòng người Trung Quốc; những người khác lại sợ rằng Trung Quốc có thể sử dụng sự tham gia của đệ nhất phu nhân Mỹ làm bàn đạp tuyên truyền.
Vài tháng trước đó, Harry Wu, người Mỹ gốc Hoa, bị bắt khi đến Trung Quốc và bị buộc tội gián điệp, khiến đoàn đại biểu Mỹ và bà Clinton phải cân nhắc lại quyết định tham gia sự kiện. Wu cuối cùng được thả chưa đầy một tháng trước hội nghị.
Cuối cùng, bà Clinton vẫn tham gia sự kiện ở Bắc Kinh, với kỳ vọng lên tiếng thay mặt cho phụ nữ và các bé gái toàn thế giới.
"Mọi con mắt đổ dồn về Bắc Kinh, tôi biết rằng mọi con mắt cũng sẽ đổ dồn vào tôi", bà viết trong hồi ký của mình năm 2003. Bà và đội ngũ nhận thức sâu sắc rằng chỉ một từ sai trong bài phát biểu cũng có thể dẫn đến những ồn ào ngoại giao.
Vài giờ sau đó, bà phát biểu trong hội trường lớn. Bà nói rằng khi phụ nữ khỏe mạnh, có học vấn và không phải chịu bạo lực, có cơ hội làm việc và học tập tốt, thì gia đình của họ cũng sẽ êm ấm. Khoảng giữa bài phát biểu, bà tuyên bố: "Đã đến lúc phá vỡ sự im lặng, đến lúc chúng ta tuyên bố ở đây, cho toàn bộ thế giới biết rằng không còn có thể tách biệt quyền của phụ nữ với nhân quyền".
Liên tục nhấn mạnh chữ "con người", bà liệt kê những hành vi lạm dụng phụ nữ và gọi chúng là vi phạm nhân quyền. Câu nói nổi tiếng nhất của bà trong hội nghị là: "Nếu có một thông điệp phát ra từ hội nghị này, thì đó là nhân quyền là quyền của phụ nữ, và quyền của phụ nữ là nhân quyền, mãi mãi như vậy".
Khi bài phát biểu được phiên dịch cho tất cả khán giả, những tràng pháo tay giòn giã vang lên . "Mọi người rơi nước mắt và giậm chân hưởng ứng", Melanne Verveer, cố vấn chính cho bà Clinton vào thời điểm đó, nhớ lại. Trong hồi ký, bà Clinton viết rằng mặc dù nhận được phản ứng nồng nhiệt như vậy, vào thời điểm đó, bà không nghĩ rằng bài phát biểu dài 21 phút của mình sẽ trở thành tuyên ngôn cho phụ nữ trên toàn thế giới.
Dấu ấn
Kathy Spillar, giám đốc điều hành của một tổ chức nữ quyền tại Mỹ, nói rằng vào năm 2016 thì mọi người khó có thể cảm nhận được thông điệp của bà Clinton mới mẻ đến nhường nào vào năm 1995.
"Chúng ta nhìn lại sau 21 năm thì sẽ cảm thấy không ấn tượng - nhưng bài phát biểu thật sự đột phá vào thời điểm đó", Spillar nói. "Bài phát biểu mang ý nghĩa to lớn - vì đó là lời tuyên bố dứt khoát của đệ nhất phu nhân Mỹ. Nhiều quốc gia trên thế giới diễn ra nạn phân biệt đối xử đối với phụ nữ nhưng lại bao biện đó là truyền thống văn hóa. Ngay cả Liên Hiệp Quốc khi đó cũng chưa thống nhất về vấn đề này. Đó là một khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đấu tranh hàng thế kỷ vì nhân quyền đầy đủ của phụ nữ trên toàn thế giới".
AP nhận xét rằng đó là khoảnh khắc bà Clinton bắt đầu thực sự tạo ra bản sắc riêng trên chính trường thế giới, tách biệt với chồng của mình.
"Bài phát biểu cho bà một nền tảng rõ ràng mà bà có thể tận dụng để tạo ra sự khác biệt", Verveer nói.
Tuy bà Clinton từ lâu đã là người bênh vực cho phụ nữ và trẻ em, bài phát biểu ở Bắc Kinh đã đặt ra hướng đi cho sự nghiệp của bà, đặc biệt là với vị trí ngoại trưởng Mỹ của chính quyền Tổng thống Obama.
"Sự kiện đóng vai trò lớn trong việc hình thành con người bà. Đó thực sự là khoảnh khắc biến đổi, phát triển bản thân quan trọng", cựu cố vấn của bà Clinton nhận xét.
Xem thêm: Bài phát biểu khiến Hillary Clinton vụt sáng thành ngôi sao thời sinh viên
Hillary Clinton và nhiệt huyết lãnh đạo từ thuở 20
Phương Vũ