Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn giữ thái độ cảnh giác cao trước phương Tây, e ngại Ukraine rơi vào vòng ảnh hưởng của đối phương bởi điều đó có thể gây hại đến an ninh và vị thế địa chính trị của Moscow.
Theo các nhà phân tích, khác với người đồng cấp Mỹ Barack Obama, Tổng thống Putin không phải đối diện với một hạ viện do đảng đối lập khống chế hay một vòng bầu cử giữa nhiệm kỳ căng thẳng. Quyền uy của Putin trên chính trường Nga gần như tuyệt đối. Vì vậy, không thể hiểu thấu đáo chính sách của Moscow tại Ukraine hiện nay, nếu như không hiểu những tính toán chính trị của ông.
Bị lừa dối
"Điều khiến ông Putin cảm thấy tức giận đó là cảm giác bị phương Tây lừa dối", nhà bình luận Steve Rosenberg của BBC nhận định. Trong vấn đề Libya năm 2011, Moscow đã bị thuyết phục để không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm thiết lập một vùng cấm bay bảo vệ thường dân.
Nhưng hoạt động quân sự sau đó của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến chính quyền của đại tá Moammar Gadhafi bị lật đổ và dẫn đến cái chết thảm khốc của ông này. Những sự kiện ấy đã vượt xa dự tính trước đó của Nga. Đây được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng giải thích cho việc Nga ba lần phủ quyết lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Syria.
Trong vấn đề Ukraine, Nga cũng bị đặt vào thế bị động. Cuối tháng trước, Tổng thống Putin cử ông Vladimir Lukin làm phái viên đến Kiev tham gia đàm phán giữa chính phủ ông Viktor Yanukovych và phe đối lập. Tham gia đàm phán còn có ngoại trưởng Đức, Pháp và Ba Lan.
Thỏa thuận đạt được có lợi cho phe đối lập, với các điều khoản như bầu cử sớm, sửa đổi hiến pháp và thành lập chính phủ liên minh. Lukin từ chối ký vào văn bản chính thức.
Một ngày sau, ông Yanukovych tháo chạy khỏi Kiev, quốc hội phế truất ông, phe đối lập lên cầm quyền. Nga buộc phải chấp nhận thỏa thuận ngày 21/2, như một sự lựa chọn thay thế khả dĩ nhất.
Cảnh giác
Nga và bản thân Tổng thống Putin lo ngại rằng, nếu Ukraine rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây, điều này sẽ uy hiếp đến an ninh và vị thế địa chính trị của Moscow. Ukraine từng thuộc Liên bang Xô viết và là quốc gia có diện tích lớn nhất nằm chắn giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU).
Cách mạng Hoa hồng tại Gruzia năm 2003 và cách mạng Cam tại Ukraine năm 2004, đều có hình bóng của Mỹ và EU đằng sau. Những chính trị gia có tư tưởng thân phương Tây ngày càng gia tăng trong lớp lãnh đạo sau các phong trào đấu tranh. Nữ hoàng khí đốt Yulia Tymoshenko là một điển hình.
Gần đây, Điện Kremlin cáo buộc phương Tây đứng đằng sau các cuộc biểu tình tại Kiev. Trong cuộc họp báo hôm 4/2, Tổng thống Putin cho biết việc Yanukovych từ chối ký kết thỏa thuận thương mại với EU (cuối năm ngoái) là "cái cớ để ủng hộ phe đối lập trong cuộc chiến giành quyền lực" và "đây không phải lần đầu tiên các đối tác phương Tây làm như vậy với Ukraine".
Trước đây, trong một buổi phóng vấn với tờ Kommersant năm 2010, ông Putin từng bày tỏ sự cảnh giác của mình với NATO khi nhắc lại việc khối này không ngừng kết nạp thành viên, bất chấp lời hứa trước đó với Liên Xô.
Thành lập một chính phủ thân phương Tây tại Kiev liệu chắc chắn là bước chuẩn bị cho việc kết nạp Ukraine vào NATO trong tương lai, là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga.
"Các nhà lãnh đạo phương Tây cần hiểu rõ rằng Ukraine là một quốc gia đa dân tộc, có vị trí đặc biệt, nằm chắn giữa Nga và khu vực phía đông châu Âu", nhà bình luận Gideon Rachman của tờ Financial Times nhận định. "Ukraine cần xây dựng mối liên hệ mật thiết với cả hai bên, chỉ có vậy đất nước mới bước vào con đường ổn định lâu dài".
Phương Tây cho rằng Nga can thiệp của Nga vào Crimea, rằng đó là "sự xâm lược tàn bạo" và rằng những lời lẽ của tổng thống Putin trong cuộc họp báo hôm 5/3 "không đánh lừa được ai". Nhưng đối với Putin, chính phương Tây mà đặc biệt là Mỹ mới phải chịu trách nhiệm cho thực trạng Ukraine ngày nay.
"Mỹ giống như ngồi trong phòng thí nghiệm, dùng chuột bạch làm các kiểu thí nghiệm, mà không tính đến hậu quả", Tổng thống Putin mỉa mai. Trước việc chính quyền của ông Yanukovych bị lật đổ, Putin khẳng định Nga chỉ hành động để bảo vệ các cơ sở quân sự của mình ở Crimea, bao gồm Hạm đội Biển Đen. Ông cũng phủ nhận việc sử dụng lực lượng quân sự chiếm đóng bán đảo này.
Điều gì sẽ xảy ra?
Theo nhiều chuyên gia, có ba kịch bản mà có thể Nga sẽ hành động trong vấn đề Ukraine. Một là Moscow không ngừng gia tăng áp lực lên Crimea và mở rộng phạm vi đến cả khu vực miền đông Ukraine. Tuy nhiên theo nhiều quan chức Mỹ, Washington coi bài phát biểu của Tổng thống Putin là tín hiệu cho thấy tình hình căng thẳng tại Crimea tạm thời dừng leo thang.
Nhưng cũng có người cho rằng Washington không nên coi nhẹ tình hình. "Chúng ta không nên chỉ nghe ông ấy nói, rồi cho rằng nguy cơ đã qua đi", New York Times dẫn lời ông Ivo Daalder, cựu đại sứ thứ nhất của Mỹ tại NATO. "Đây không chỉ là vấn đề Crimea, mà nó liên quan đến việc ai là người sau cùng kiểm soát Ukraine".
Hai là ảnh hưởng của Nga chỉ dừng ở Crimea, nhưng lặp lại kịch bản ở Gruzia hồi năm 2008. Khi đó, trước ý định lôi kéo Gruzia và Ukraine vào quỹ đạo NATO của chính phủ George Bush, Tổng thống Putin đã can thiệp quân sự vào Gruzia, và thực tiễn sau đó là hai vùng tự trị Abkhazia và Nam Ossetia hầu như đã ra khỏi quốc gia này.
Dù lựa chọn kịch bản nào, Nga cũng sẽ vấp phải sự phản đối và khả năng trừng phạt từ Mỹ và EU. Nhưng phương Tây không hoàn toàn đồng thuận và ở thế chủ động trong vấn đề này, bởi Washington cần sự hợp tác của Moscow ở các vấn đề Syria, Iran, Afghanistan, trong khi châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Ngược lại, Moscow cũng không hoàn toàn chiếm thế thượng phong trong vấn đề trên, bởi đây là trụ cột kinh tế quan trọng nhất của Nga. 70% nguồn thu xuất khẩu của nước này là từ dầu mỏ và khí đốt. Ngoài ra, sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tái sinh khiến sự nhu cầu nhập khẩu khí đốt của châu Âu giảm dần trong 10 năm trở lại đây.
Kịch bản thứ ba là Tổng thống Putin chấp nhận lời đề nghị của ông Obama, đồng ý cho phép các quan sát viên quốc tế vào Crimea, thay thế lực lượng quân sự thân Nga, đảm bảo an toàn cho người dân Ukraine gốc Nga sinh sống tại đây.
Đây là sự lựa chọn mà phương Tây mong đợi nhất, nhưng khó lòng được Nga chấp nhận bởi như thế sức ảnh hưởng của Moscow trong vấn đề Ukraine sẽ giảm, chưa tính đến an ninh cho các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea và an ninh cho người sắc tộc Nga trước nguy cơ từ chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.
Trụ cột quan trọng trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Putin là việc hình thành một liên minh Á-Âu trên cơ sở liên minh hải quan do Nga lãnh đạo, với thành viên là các nước trước đây thuộc Liên Xô. Liên minh này được nhận định là một đối trọng với EU trong cán cân quyền lực Á - Âu và Ukraine là một mắt xích quan trọng.
"Mỹ và EU cần tôn trọng mối quan ngại về an ninh khu vực của Nga và đảm bảo sẽ không nỗ lực kết nạp Ukraine vào NATO trong tương lai gần", nhà bình luận Rachman nói.
Đức Dương (tổng hợp)