Theo WSJ, suốt 13 năm qua, các nước Đông Nam Á cùng cố gắng để xây dựng một khuôn khổ nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc. Nhưng cách tiếp cận này có vẻ đang bị lu mờ trước một chiến lược mới, các quan chức cấp cao tham dự cuộc họp cấp cao tại Malaysia nhận xét. Giờ đây, ASEAN muốn tăng hợp tác giữa những nước đang lo ngại trước các hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Họ không từ bỏ niềm tin vào ASEAN", một nhà ngoại giao tham gia cuộc họp của 10 nước thành viên Đông Nam Á nói. "Tuy nhiên, một số nước đang muốn tìm cách riêng, với hy vọng không làm tình hình xấu đi".
Mặc dù Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc đối thoại để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) nhằm kiềm chế hành động của các quốc gia tại Biển Đông, Bắc Kinh liên tục mở rộng tầm kiểm soát, thậm chí xây đảo nhân tạo tại các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Bộ quy tắc ứng xử này giống như một cuộc thi sắc đẹp. Mọi người tham gia nó đều nói về hoà bình, nhưng họ hoàn toàn thiếu hành động thực chất", William Choong, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Singapore, nhận xét.
Sự thay đổi trong chiến lược của các nước Đông Nam Á mang dấu ấn ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ Obama. Ông đã ký một bản ghi nhớ hợp tác chiến lược Mỹ - ASEAN trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á - diễn đàn hàng đầu về địa chính trị ở khu vực này, nhằm thúc đẩy hơn nữa chính sách "tái cân bằng" lợi ích của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Bản hợp tác được ký gần như ngay sau khi Mỹ thực thi hành động "thể hiện tự do hàng hải và hàng không" ở Biển Đông. Việc Mỹ điều tàu tuần tra áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng khiến một số nước như Malaysia và Philippines hoan nghênh, đồng thời châm ngòi tức giận từ Bắc Kinh.
"Để khu vực ổn định, các bên tranh chấp cần phải dừng việc xây dựng, cải tạo và quân sự hoá khu vực tranh chấp", ông Obama nói với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trong một cuộc họp hôm 21/11.
Về lý thuyết, quá trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử vẫn đang diễn ra, bởi Trung Quốc và ASEAN đều sẽ bẽ mặt nếu phải thừa nhận rằng họ thất bại sau khi mất nhiều thời gian mà không đi đến kết quả, ông Richard Javad Heydarian, chuyên gia an ninh tại Đại học De La Salle ở Manila, nhận xét. "ASEAN phải tiếp tục quá trình đàm phán bộ quy tắc với Trung Quốc nhằm duy trì sự đoàn kết, cho dù có thể lỏng lẻo", ông nói.
Ngay cả các quan chức ASEAN cũng thừa nhận rằng quyết tâm đi đến một giải pháp chính trị toàn diện với Trung Quốc đôi khi không phù hợp với thực tế. "Chúng tôi thấy vẫn còn khoảng cách giữa những cam kết ngoại giao và chính trị với thực tiễn trên biển", Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Một nhà ngoại giao cho biết một số nước Đông Nam Á vấn thấy giá trị chiến lược của quá trình đàm phán chập chờn đã kéo dài 13 năm này, và đang vận động các nước thành viên tiếp tục thương thảo về COC vào đầu năm 2016. Họ muốn buộc Trung Quốc hoặc phải nhượng bộ, hoặc bị vạch trần là trở ngại chính trên con đường tìm kiếm giải pháp chính trị.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng Bắc Kinh vẫn thực sự muốn tham gia vấn đề này. "Trung Quốc đã làm việc rất tích cực, đễ hỗ trợ việc thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử. Chúng tôi đã bỏ thời gian, tiền bạc và tổ chức một vài cuộc họp nhằm thúc đẩy việc đàm phán", ông nói hôm 22/11.
ASEAN đã không đưa ra được bộ quy tắc ứng xử kịp thời để ngăn Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nói rằng "điều này hơi muộn". Tuy nhiên, ông cho biết Việt Nam vẫn muốn xây dựng các quy định có tính ràng buộc pháp lý về việc các bên tranh chấp "không được làm những gì" trong tương lai. Ông kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán một cách nghiêm túc để đạt được kết quả thực chất càng sớm càng tốt.
Vì quá trình đàm phán mãi chưa có kết quả, các nước tranh chấp với Trung Quốc đang thực hiện những việc nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Ví dụ, Philippines kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài Quốc tế tại The Hauge, và cuối tuần trước ký kết hợp ước chiến lược với Việt Nam và Australia. Mỹ hứa sẽ cung cấp trang thiết bị quân sự cho Manila và phía Nhật Bản cũng có thể sẽ làm điều tương tự. Việt Nam cũng tăng cường quan hệ với Tokyo và Washington.
Trong trường hợp không thể có một cơ chế pháp lý giữa các bên để ngăn chặn tình hình xấu đi ở Biển Đông, một số quan chức ngoại giao cho biết họ sẽ không chỉ dựa vào ASEAN, mà sẽ dựa cả vào Mỹ để thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trọng Nghĩa