Ảnh vệ tinh hôm 23/3 cho thấy Trung Quốc xây dựng đường băng ở đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Airbus
Hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một đường băng bê tông trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong ảnh, đoạn đầu của đường băng trông giống một dải băng màu xám. Sát với đường băng là phần nhô ra đang được xây dựng để dùng cho máy bay đỗ và chạy đà. Đường băng này ước tính có độ dài hơn 3.000 m, đủ cho máy bay chiến đấu và máy bay tuần tiễu cất và hạ cánh.
Các nhà phân tích từng nêu giả thiết Trung Quốc có kế hoạch xây một đường băng dã chiến trên đá Chữ Thập. Hình ảnh chụp từ vệ tinh Airbus từ ngày 23/3 và được tuần báo quốc phòng Jane’s công bố hôm 16/4 là bằng chứng đầu tiên về giả thiết này.
Tạo vùng giám sát rộng lớn
Theo Peter Dutton, giáo sư về nghiên cứu chiến lược của Đại học Quân sự Hàng hải ở Rhode Island, đây là một thay đổi quan trọng trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. "Đây là một động thái chiến lược lớn. Để thâu tóm được một vùng biển, bạn cần kiểm soát cả bầu trời", ông nhận định.
Dutton cho rằng, theo thời gian, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lắp đặt hệ thống radar và tên lửa có thể đe dọa các nước như Philippines, một đồng minh của Mỹ, và Việt Nam. Cả hai nước Việt Nam và Philippines có lực lượng đồn trú ít ỏi hơn Trung Quốc rất nhiều ở Biển Đông. Và nếu Trung Quốc sử dụng đá Chữ Thập làm căn cứ cất và hạ cánh cho máy bay chiến đấu và máy bay tuần tiễu của nước này, thì cuộc cạnh tranh với Mỹ trong khu vực Biển Đông sẽ gia tăng.
Trong gần 15 năm qua, hàng loạt căng thẳng giữa lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc diễn ra cả trên không và trên biển mà khởi đầu là tình huống va chạm giữa máy bay do thám EP-3 của Mỹ với một máy bay chiến đấu Trung Quốc. Tất cả các tình huống đối đầu thế này đều xảy ra ở khu vực bắc Biển Đông.
Việc bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa, cách khoảng 1.600 km so với điểm gần lãnh thổ Trung Quốc nhất trên đảo Hải Nam, sẽ tạo một phạm vi giám sát rộng hơn rất nhiều. "Việc này sẽ mở rộng khu vực căng thẳng tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc", Dutton nói.
Việc xây dựng trên đá Chữ Thập nằm trong dự án cải tạo dùng lưới giữ đá và sỏi trên ít nhất 7 đá ở Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc đang cải tạo các rặng san hô ngầm nhỏ, vốn chìm dưới mặt biển, thành những hòn đảo nhân tạo đủ lớn cho hạ tầng quân sự và dân sự.
Trong chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ashton B. Carter đã nói tại Nhật rằng những cố gắng cải tạo của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ và làm tổn hại đến triển vọng về một giải pháp ngoại giao.
Sau bài phát biểu này của ông Carter, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington, Mỹ, đã công bố các hình ảnh của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, cho thấy rõ các lưới chứa cát và san hô để tạo bề mặt đảo trên những rặng san hô ngầm dưới biển.
Trung tâm chỉ huy quân sự trên đá Chữ Thập
Việc xây dựng trên đảo đá Chữ Thập, cách đảo Đá Vành Khăn hàng trăm km có vẻ như đã được tiến hành từ vài tuần gần đây. Một hình ảnh khác do vệ tinh Airbus chụp ngày 6/2 cũng được Jane’s công bố đã cho thấy chỉ có cát không trên vị trí mà hiện nay đường băng đang được xây dựng.
“Chúng tôi chắc chắn công trình đó là dành cho máy bay quân sự dù đương nhiên một đường băng vẫn là một đường băng và mọi thứ đều có thể cất - hạ cánh, miễn là nó đủ dài”. James Hardy, biên tập viên châu Á-Thái Bình Dương của Jane’s nói. "3.000m là đủ dài cho hầu hết mọi loại máy bay".
Ông Hardy nhấn mạnh siêu máy bay Airbus A380 cũng chỉ cần đến đường băng dài 2.950m. Các đường băng khác mà quân đội Trung Quốc sử dụng cũng chỉ có độ dài từ 2.700 m đến 4.000 m. Để so sánh, có thể lấy đường băng căn cứ không quân Diego Garcia của Mỹ trên đảo ở Ấn Độ Dương, lớn hơn và phát triển hơn đá Chữ Thập nhiều, nhưng cũng chỉ có độ dài đường cất hạ cánh là gần 3.600 m.
"Câu hỏi quan trọng ở đây là: cái gì có thể hạ cánh ở đó? Trừ khi họ đang có ý định chuyển đảo nhân tạo đó thành khu nghỉ dưỡng, điều chẳng thể nào có được, ít ra là theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Vì vậy, chỉ có thể là máy bay quân sự sẽ cất hạ cánh ở đó", ông Hardy bình luận.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước đã tuyên bố rằng hoạt động cải tạo đó có các mục đích dân sự, ví dụ như làm căn cứ cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, nhưng cũng có thể "đáp ứng nhu cầu quốc phòng". Mặc dù tuyên bố này nhấn mạnh đến mục tiêu phi quân sự nhưng đây cũng là lần hiếm hoi Bắc Kinh lộ rõ ý đồ quân sự trên Biển Đông.
Ông Hardy cho rằng có vẻ như quân đội Trung Quốc đã chọn đảo đá Chữ Thập làm một trung tâm chỉ huy và điều hành các hoạt động quân sự ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông và lập luận rằng "đường 9 đoạn" được vẽ theo đường tàu thủy của họ chạy trong những năm 1940 là "phù hợp với chủ quyền của nước này ở Biển Đông". Không một nước nào công nhận giá trị pháp lý của "đường 9 đoạn" và rất nhiều nước lo ngại rằng các hoạt động cải tạo của Trung Quốc là một phần của chiến dịch tạo "sự đã rồi" ở Biển Đông.
Phát biểu về hoạt động cải tạo, bồi đắp đất ở Biển Đông của Trung Quốc vào tháng trước, Phó Đô đốc hải quân Mỹ Christopher J. Paul, cho rằng có quốc gia đang "cố tình bóp nghẹt giao thông trên hải phận quốc tế, cố tình tạo ra những đảo ở nơi không hề có".
Minh Châu (theo New York Times)