Đối với nhiều người bi quan, chiến thắng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không khác gì một bi kịch, bởi ông từng đưa ra những tuyên bố cứng rắn mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc và phản đối tiến trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thực tế là số người ủng hộ không ít và họ rất tin tưởng vào sự lựa chọn của mình.
Bình luận viên John LIoyd, đồng sáng lập viện Nghiên cứu báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford, Anh đưa ra 5 lý do để cử tri Mỹ có thể lạc quan về tình hình đất nước dưới dự điều hành của một tổng thống gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử.
Thứ nhất, Tổng thống đắc cử Mỹ hoàn toàn không phải người theo chủ nghĩa phát xít như nhiều người cáo buộc. Bởi một nhà lãnh đạo phát xít cần rất nhiều người có chung tư tưởng ủng hộ.
Mặc dù có một số tổ chức cực đoan ở Mỹ, điển hình như tổ chức phân biệt chủng tộc Klu Klux Klan (hay còn gọi là 3K) hoan nghênh chiến thắng của ông Trump, nhưng hầu hết cử tri bỏ phiếu cho ông không nằm trong thành phần này.
Những người theo chủ nghĩa phát xít muốn thiết lập một nhà nước mạnh để đè bẹp và thống trị các quốc gia khác. Trong khi những người ủng hộ Trump thuộc tầng lớp lao động và trung lưu chỉ mong muốn cuộc sống và tình hình đất nước tốt hơn.
Thứ hai, nếu muốn, chính quyền của ông Trump cũng không thể lãnh đạo đất nước bằng sự độc tài, do nền dân chủ và tự do của Mỹ luôn được bảo vệ bởi một công cụ hiệu quả là hiến pháp. Quyền tự do trong hiến pháp và cuộc sống đời thường hiện là xu thế chung trong hệ thống chính trị của nước này.
Nhờ dựa vào Tu chính án số 1 về quyền tự do ngôn luận, Tòa án tối cao Mỹ đã đưa ra phán quyết Citizens United đầy tranh cãi, cho phép mọi công ty và đoàn thể có thể chi tiền không giới hạn cho hoạt động vận động tranh cử. Ngoài ra, cũng vì sự tồn tại của Tu chính án số 2, cho phép công dân quyền sở hữu vũ khí, nên các nhà lập pháp trong nhiều năm qua dường như bất lực trước mục tiêu thắt chặt việc kiểm soát súng đạn.
Thứ ba, mạng lưới truyền thông Mỹ, mặc dù đang trong tình trạng bối rối, theo truyền thống vẫn có thể tiếp tục thực hiện chức năng giám sát chính quyền.
Sau chiến thắng của ông Trump, những tờ báo lớn như New York Times sẽ rút được nhiều bài học và buộc phải thay đổi, trong khi một số trang tin và ấn phẩm nhỏ đưa tin khách quan về cuộc bầu cử có thể trỗi dậy nhờ sự tín nhiệm của dư luận Mỹ.
Báo chí tự do vẫn sẽ có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Các phóng viên và biên tập viên Mỹ sẽ không từ bỏ nhiệm vụ của họ.
Thứ tư, người Mỹ nổi tiếng với khả năng thích nghi và ít bị truyền thống ràng buộc hơn so với người châu Âu và họ không sợ sự thay đổi.
Nhiều người cho rằng chiến thắng của ông Trump là một biểu hiện của tâm lý cố chấp và bài ngoại của nước Mỹ, nhưng nó cũng được coi như sự trỗi dậy của tầng lớp lao động da trắng đang bị xã hội bỏ rơi. Hiện tượng này có nhiều điểm tương đồng với phong trào nổi dậy đòi quyền công dân của cộng đồng cử tri gốc Phi trong những năm 1960.
Thứ năm, Tổng thống đắc cử Mỹ khó có thể phá vỡ những thỏa thuận quốc tế một cách nhanh chóng như những gì ông tuyên bố trong chiến dịch tranh cử . Ông Trump đã có được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ đảng Cộng hòa ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ, nhưng không phải tất cả đều tán thành những chính sách của ông.
Các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa có thể đồng ý với việc các nước thành viên NATO phải chi trả nhiều hơn để duy trì liên minh, song nhiều nghị sĩ đảng này lại ủng hộ NATO.
Mặc dù tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP ngay trong ngày đầu nhậm chức, vẫn có khả năng ông Trump bị ảnh hưởng bởi quan điểm của nhà chính trị học nổi tiếng người Nhật Yoichi Funabashi, trong bối cảnh ông có cuộc gặp với Thủ tướng nước này là Shinzo Abe tại New York ngày 17/11.
Ông Yoichi Funabashi lập luận rằng Mỹ sẽ mất khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào tay Trung Quốc nếu Washington không tham gia hiệp định thương mại đa phương này.
Xem thêm: Tháp Trump - trụ sở quyền lực mới của nước Mỹ
Nguyễn Hoàng