Theo BBC, Ban Quản lý kênh đào Panama (ACP) ban đầu đưa ra mức phạt gần một triệu USD đối với Bình Nhưỡng vì vi phạm các quy định hàng hải, nhưng sau đó giảm xuống còn 693.000 USD.
ACP cho hay số vũ khí không khai báo trên con tàu mang tên Chong Chon Gang gây nguy hại đến an ninh nội địa của Panama.
"Sau khi nhận tiền phạt và chiểu theo các quy định, Ban Quản lý Kênh đào Panama đã cho phép con tàu rời đi", thông báo của ACP cho biết..
Hôm 30/1, giới chức ACP đã ra lệnh phóng thích và không buộc tội 32 trong số 35 thủy thủ của tàu Chong Chon Gang. Tuy nhiên, ba người còn lại, trong đó có thuyền trưởng, sẽ tiếp tục bị giam ở Panama và đối mặt với 12 năm tù tội buôn lậu vũ khí.
Tàu Chong Chon Gang bị chặn lại ở kênh đào Panama hôm 15/7 vì nghi ngờ chở ma túy. Tuy nhiên, khám xét con tàu, giới chức Panama lại phát hiện 25 container chở vũ khí hạng nặng. Các vũ khí được tìm thấy trên tàu bao gồm hai chiến đấu cơ MiG-21 thời Liên Xô, hệ thống phòng không, tên lửa và các xe chỉ huy.
Bình Nhưỡng tuyên bố đây là số vũ khí "lỗi thời" của Cuba, được gửi tới Triều Tiên để sửa chữa theo một hợp đồng hợp pháp. Tuy nhiên, hai nước không giải thích vì sao 24 tấn vũ khí lại bị che đậy dưới hơn 200.000 bao tải đường bên trong tàu.
Một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã đến Panama để điều tra cáo buộc Bình Nhưỡng vi phạm lệnh cấm xuất và nhập khẩu vũ khí.
5% giao thương thế giới đi qua kênh đào gần trăm năm tuổi Panama, và con số dự kiến tăng lên sau khi dự án mở rộng quy mô lớn hoàn tất. Các tàu chiến, tàu chở vũ khí quân sự và thậm chí cả vật liệu hạt nhân vẫn thường xuyên đi qua đoạn đường thủy dài 80 km này. Tuy nhiên, họ phải báo trước với chính quyền địa phương để có những biện pháp an ninh phù hợp.
Khoản tiền phạt dao động từ 100.000 USD đối với các hành vi vi phạm "nghiêm trọng" tới một triệu USD với mức nghiêm trọng nhất.
Anh Ngọc