Aftenposten, tờ báo lớn nhất Na Uy, ngày 8/9 đăng thư ngỏ gửi Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, chỉ trích quyết định kiểm duyệt bức ảnh "Em bé Napalm" nổi tiếng nói về chiến tranh Việt Nam, Guardian đưa tin. Tờ báo mô tả Zuckerberg là "biên tập viên quyền lực nhất thế giới".
Espen Egil Hansen, tổng biên tập, giám đốc điều hành Aftenposten, cáo buộc Zuckerberg "lạm quyền" một cách thiếu suy nghĩ.
"Tôi khó chịu, thất vọng, thậm chí là lo sợ, về việc ông định làm đối với một trụ cột trong xã hội dân chủ của chúng ta", ông Hansen viết, nhắc đến Facebook, mạng xã hội đã trở thành kênh truyền thông tin, tin tức lớn thế giới.
Tranh cãi xuất hiện khi Facebook quyết định xóa bài viết của cây bút Na Uy Tom Egeland thảo luận về "7 bức ảnh thay đổi lịch sử chiến tranh" có đăng kèm ảnh "Em bé Napalm". "Em bé Napalm", do Nick Út chụp, ghi lại hình ảnh một bé gái Việt Nam với gương mặt hoảng loạn bỏ chạy trong tình trạng trần truồng sau khi máy bay quân đội Việt Nam Cộng hòa thả bom Napalm xuống Trảng Bàng, Tây Ninh.
Aftenposten ngày 7/9 nhận được yêu cầu xóa bức ảnh. "Những bức ảnh chụp người khỏa thân, mông hoặc ngực không che sẽ bị gỡ", Facebook giải thích.
"Chưa đầy 24 giờ sau khi email gửi đi, trước khi tôi có thời gian phản hồi, ông đã tự can thiệp và xóa bài đăng cùng hình ảnh trên Facebook Aftenposten", Hansen viết. Ông nhận định quyết định xóa ảnh chứng tỏ Facebook không đủ khả năng "phân biệt ảnh khiêu dâm trẻ em và ảnh chiến tranh nổi tiếng", không muốn "có phán quyết tốt".
Facebook ngày 9/9 thông báo thu lại quyết định kiểm duyệt "Em bé Napalm" do bị các hãng tin và chuyên gia truyền thông thế giới chỉ trích.
"Sau khi lắng nghe ý kiến từ cộng đồng, chúng tôi đã xem xét lại cách áp dụng Tiêu chuẩn Cộng đồng trong trường hợp này", thông báo từ Facebook cho biết. "Hình ảnh một đứa trẻ trần truồng thông thường sẽ được cho là vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng, một số nước còn coi là ảnh khiêu dâm trẻ em. Trong trường hợp này, chúng tôi công nhận tính lịch sử và tầm quan trọng của bức ảnh".
Facebook cho biết sẽ "điều chỉnh cơ chế đánh giá để cho phép chia sẻ bức ảnh" và "cải thiện chính sách để đảm bảo chúng giúp thúc đẩy tự do ngôn luận, giữ an toàn cho cộng đồng". "Em bé Napalm" dự kiến có thể được chia sẻ lại "trong vài ngày tới".
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, trước đó cũng đăng ảnh "Em bé Napalm" lên tài khoản cá nhân và bị xóa, hoan nghênh quyết định của Facebook. "Nó cho thấy sử dụng mạng xã hội có thể tạo ra thay đổi về chính trị, thậm chí trên chính mạng xã hội", bà cho biết trong một chương trình của đài BBC.
Egeland cũng tỏ vẻ hài lòng trước quyết định trên. "Giờ tôi cảm thấy hạnh phúc", Egeland viết trên Twitter cá nhân.
Như Tâm