Bài phát biểu được toàn thế giới chờ đợi, bởi nó sẽ vạch ra con đường của Mỹ trong đối phó với mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Mở đầu bài phát biểu, ông Obama nhắc nhở người Mỹ rằng nước này đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và hầu hết lớp lãnh đạo Al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan. Đồng thời, ông cũng chấm dứt cuộc chiến ở Iraq và sẽ kết thúc nhiệm vụ tác chiến của Mỹ ở Afghanistan vào cuối năm nay.
Obama cho biết sẽ cử thêm 475 cố vấn quân sự Mỹ tới Iraq. "ISIL không phải là 'Hồi giáo', ông nói. "Không có tôn giáo nào tha thứ cho việc giết hại người vô tội. Phần lớn các nạn nhân của IS là người Hồi giáo".
"Mỹ sẽ lãnh đạo một liên minh lớn nhằm đẩy lùi mối đe dọa khủng bố này", ông Obama khẳng định. "Đầu tiên, chúng ta sẽ tiến hành một chiến dịch không kích có hệ thống chống lại những tên khủng bố".
"Chúng ta sẽ làm suy yếu, và tiêu diệt tận gốc" những kẻ khủng bố.
Một nguyên tắc cốt lõi dưới sự lãnh đạo của ông Obama là: "Nếu ngươi đe dọa nước Mỹ, ngươi sẽ không tìm được nơi trú ẩn an toàn". Mỹ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ cho "lực lượng chống những tên khủng bố này trên mặt đất".
Ông Obama kêu gọi Quốc hội "cho thêm quyền quyền và nguồn lực để huấn luyện và vũ trang" cho các chiến binh phe đối lập ở Syria. Một điểm cốt lõi của chiến dịch là hỗ trợ phe đối lập ở Syria để "tạo thế đối trọng" với IS, trong khi hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh ở đây.
Một chủ đề mà giới quan sát dự đoán nhiều nhất là liệu Obama có đi đến quyết định không kích IS trên lãnh thổ Syria - nơi các phe nhóm phiến quân đang chiến đấu chống chính quyền của ông Bashar al-Assad - hay không. Trong bài phát biểu quan trọng này, Tổng thống Mỹ nói: "Tôi sẽ không ngần ngại hành động chống lại ISIL ở Syria, cũng như ở Iraq".
Mỹ sẽ cùng "một liên minh rộng lớn", gồm các nước đồng minh đã triển khai máy bay trên bầu trời Iraq, gửi vũ khí cho lực lượng an ninh Iraq và phe đối lập Syria, đồng thời hỗ trợ về nhân đạo và tình báo.
Và Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho dân thường phải sơ tán vì IS, trong đó có Sunni và Shitte, người Thiên chúa giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác. "Chúng tôi không thể cho phép việc những cộng đồng này bị đuổi khỏi quê nhà cổ đại của họ", ông nói.
Obama cho biết ông muốn người Mỹ hiểu rằng cuộc chiến này sẽ khác các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Mỹ sẽ không gửi bộ binh tới để chiến đấu.
Tổng thống Mỹ cũng nhắc nhở nước này rằng ngày 11/9 là kỷ niệm lần thứ 13 vụ tấn công khủng bố Mỹ năm 2001, làm gần 3.000 người chết.
"Sự an toàn của chúng ta, an ninh của chúng ta, phụ thuộc vào việc chúng ta sẵn sàng làm mọi điều có thể để bảo vệ đất nước này, và việc đề cao những giá trị chúng ta ủng hộ", ông Obama nói.
Ông John Boehner, Chủ tịch Hạ viện Mỹ hôm nay bình luận về bài phát biểu của tổng thống. "Dù tổng thống đưa ra những lý lẽ thuyết phục về hành động, vẫn có nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ về ý đồ hành động của tổng thống", BBC dẫn lời ông Boehner cho hay.
"Tôi ủng hộ kế hoạch của tổng thống nhằm huấn luyện và trang bị cho Lực lượng An ninh Iraq và phe đối lập Syria, nhưng tôi vẫn quan ngại rằng có thể phải mất nhiều năm để thực thi đầy đủ những biện pháp đó, trong khi phải ngay lập tức chấm dứt và đẩy lùi động lực cũng như việc chiếm đất của IS", ông Boehner nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng chiến lược của tổng thống "sẽ thành công bởi việc kết hợp với các đồng minh và đối tác không chỉ là điều thông minh, mà còn tạo ra sức mạnh".
Tương tự, Thượng nghị sĩ Carl Levin, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hoan nghênh nỗ lực tìm kiếm một liên minh ủng hộ lớn. "Bài phát biểu không kêu gọi sự tham gia của lực lượng bộ binh Mỹ. Tôi tin là sự tham gia không những không cần thiết, mà còn có thể biến thành hình thức tuyên truyền của những kẻ cực đoan", ông Levin cho hay.
- Trong khi đó, ông Richard Haas, từng là nhà ngoại giao Mỹ, cho rằng điều còn thiếu trong bài phát biểu là "một đối tác trên mặt đất ở Syria", bởi việc xây dựng lực lượng đối lập ở đây là một tham vọng lâu dài và rủi ro.
-
Trọng Giáp - Như Tâm