"Một điều tôi sẽ nói về Trung Quốc, là quý vị cũng phải rất cứng rắn với họ, vì họ sẽ lấn tới hết mức có thể cho tới khi họ bị phản kháng", Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Economist. "Họ không ủy mị, và họ không thích sự mơ hồ. Vì vậy, chỉ những lời kêu gọi tuân thủ quy tắc quốc tế là không đủ", ông Obama cho biết.
Tổng thống Mỹ tin rằng căng thẳng thương mại sẽ giảm bớt khi Trung Quốc chuyển hướng từ "công xưởng chi phí thấp của thế giới" sang sản xuất những sản phẩm giá trị cao hơn, cần được bảo vệ về sở hữu trí tuệ.
"Cần phải có cơ chế để vừa cứng rắn với họ khi chúng ta nghĩ rằng họ đang vi phạm tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng phải cho họ thấy những lợi ích tiềm năng về dài hạn", ông Obama cho hay. Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông và thường có tranh cãi với phương Tây về các vấn đề về sở hữu trí tuệ.
Tổng thống Mỹ đang cố gắng tập trung chính sách đối ngoại vào châu Á, nhằm đối phó với sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, sự "xoay trục" này bị một loạt cuộc khủng hoảng quốc tế làm lu mờ, trong đó có khủng hoảng Ukraine. Phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng phiến quân ở Ukraine, nhưng Moscow đến nay vẫn bác bỏ.
Ông Obama hạ thấp vị thế của Moscow trên thế giới và cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đang cố gây rắc rối và sẽ làm tổn hại đến Nga về lâu dài.
"Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhìn toàn cảnh. Nga chẳng làm ra được thứ gì", ông Obama nói. "Những người nhập cư không đổ về Moscow để tìm kiếm cơ hội. Tuổi thọ đàn ông Nga vào khoảng 60. Dân số nước này đang co lại".
Nga là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, sản xuất khí thiên nhiên thứ hai thế giới. Châu Âu hiện lệ thuộc lớn vào sản phẩm năng lượng xuất từ Nga.
Trọng Giáp