Theo AFP, Tổng thống Obama bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và quyết định tổ chức một cuộc họp báo bất ngờ ở Nhà Trắng, sau khi có những thông tin về việc các lực lượng Nga đã có mặt ở bán đảo Crimea, phía nam Ukraine.
Những binh sĩ được vũ trang hạng nặng trong trang phục không có phù hiệu quốc gia hôm qua được nhìn thấy quanh các tòa nhà chính quyền và sân bay ở thủ phủ Simferopol của Crimea, khiến giới chức Ukraine cáo buộc Nga "xâm lược trắng trợn".
Căng thẳng càng gia tăng khi các máy bay Nga chở khoảng 2.000 binh sĩ được cho là đã hạ cánh xuống một căn cứ quân sự ở Crimea. Moscow không hề đưa ra cảnh báo nào trước đó về động thái này.
Tổng thống Obama thừa nhận Nga có những lợi ích và mối quan hệ văn hóa, chính trị với Ukraine. Moscow có một căn cứ quân sự lớn ở Crimea, lãnh thổ được Xô viết nhượng lại cho cộng hòa Ukraine năm 1954.
Tuy nhiên, ông cho rằng bất kỳ sự xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nào đối với Ukraine đều sẽ gây "bất ổn sâu sắc".
"Mỹ và cộng đồng quốc tế cam đoan rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Ukraine đều sẽ phải trả giá", ông Obama nói.
Một quan chức cấp cao của Mỹ sau đó nhận định rằng "những cái giá" ở đây có thể là việc Tổng thống Obama và các lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) hủy tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước công nghiệp G8 tại thành phố biển Sochi của Nga tháng 6 tới. Những lợi ích kinh tế và thương mại mà Kremlin theo đuổi gần đây cũng có thể bị ảnh hưởng.
Obama cảnh báo rằng sự can thiệp quân sự của Nga thời hậu Xô viết sẽ là "điển hình cho một sự can thiệp sâu sắc vào những vấn đề phải do người dân Ukraine quyết định".
Ông cho hay phó tổng thống Joe Biden hôm qua đã trao đổi với Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk và cam kết ủng hộ cho tương lai dân chủ của quốc gia này. Washington sẽ tiếp tục trao đổi trực tiếp với chính phủ Nga về cuộc khủng hoảng, ông Obama nói thêm.
Trước đó, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cũng kêu gọi sự hòa giải quốc tế ở Crimea và yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi khu vực này.
"Mỹ kêu gọi một sứ mệnh hòa giải quốc tế khẩn thiết đối với Crimea để xoa dịu tình hình và tạo điều kiện cho đối thoại hòa bình giữa tất cả các bên ở Ukraine", bà nói.
Cũng hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Johh Kerry đã điện đàm với người đồng cấp của Nga Sergei Lavrov lần thứ tư trong 7 ngày.
Mỹ và các đồng minh chưa hề nhắc đến một biện pháp quân sự nào với Ukraine. Con đường dẫn đến một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Kiev là không thể bởi Nga là một thành viên thường trực.
Anh Ngọc