Gillard trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử đất nước Australia vào năm 2010, sau khi đánh bại đối thủ Kevin Rudd trong cuộc cạnh tranh làm chủ tịch Công đảng, với phong cách không thỏa hiệp đã trở thành đặc trưng cho con đường leo tới đỉnh cao quyền lực của bà. Tuy nhiên, bất chấp việc làm nức lòng những người hoạt động vì quyền phụ nữ với thắng lợi vang dội cách đây ba năm, Gillard chưa bao giờ có đời sống chính trị bình yên tại Australia. Bà liên tiếp phải đối mặt với những thách thức trong suốt thời gian nắm quyền.
Đầu tháng này, người phụ nữ 51 tuổi kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Công đảng, việc đã xảy ra không chỉ một lần từ năm 2010. Hôm nay, 26/6, bà đã thua trước chính đối thủ Rudd, một thất bại khiến bà phải rời chính trường. Tuy nhiên, Gillard tin rằng bà đã đạt được một số mục tiêu.
"Tôi tham gia chính trị với niềm tin rằng chính phủ có thể mang lại cơ hội và chẳng có vấn đề gì trong việc bạn xuất thân từ một gia đình giàu hay nghèo, bạn là người nhập cư hay bản địa, bạn đều có quyền để theo đuổi một cuộc sống với những cơ hội đến cùng với sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ của bạn", người phụ nữ chào đời ở xứ Wales, vương quốc Anh, nói. "Đó là cách tôi đã sống cuộc sống của mình, đó là cách tôi đã mang lại những cải cách".
"Tôi chẳng quan tâm tới sự vỗ về của công chúng, tôi cũng chẳng màng tới những tiếng vỗ tay", Gillard nhấn mạnh.
Gillard chưa bao giờ đạt được điều gì một cách dễ dàng. Bà chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu hồi năm 2010 với cách biệt sít sao, kéo theo việc phải nắm quyền trong một chính phủ thiểu sổ. Thế nhưng, Gillard là một phụ nữ cứng cỏi và đặc biệt nổi tiếng với việc thể hiện vẻ ngoài gai góc trong một bài phát biểu hồi tháng 10/2012. Đó là khi bà có màn đấu khẩu gay gắt hiếm có với lãnh đạo đối lập bảo thủ Tony Abbott. Hàng triệu người đã xem cuộc tranh luận này trên YouTube.
"Tôi sẽ không để người đàn ông này lên lớp về bất bình đẳng nam nữ và sự thù ghét phụ nữ, tôi sẽ không thế", Gillard nói đầy giận dữ.
Bài phát biểu đã làm nức lòng người Australia và nhanh chóng giúp Gillard bay cao trong cuộc bỏ phiếu lúc đó. Thế nhưng, cựu luật sư đã luôn phải tranh đấu để giành được sự ủng hộ của người dân. Theo kết quả của các cuộc trưng cầu ý kiến, Gillard chưa bao giờ ở thế thượng phong kể từ khi trở thành thủ tướng. Mọi điều ở Gillard, từ giọng nói tới sở thích mặc những chiếc áo khoác sáng màu, đều bị chỉ trích, thậm chí là một cách khắc nghiệt.
Tháng 12/2012, nữ thủ tướng Australia nói rằng sức mạnh nội lực ghê gớm và sự bình thản là hai trong số những tính cách đặc trưng của bà. "Tôi luôn có một ý thức rõ ràng về bản thân và không để điều này bị lung lay một cách dễ dàng bởi quan điểm của người khác", Gillard chia sẻ.
Tuy nhiên, việc lật đổ sếp cũ Rudd luôn phủ bóng lên thời gian tại nhiệm của Gillard, khiến bà chưa từng được thảnh thơi suốt ba năm qua. Gillard đạt tới đỉnh cao trong chính trường Australia, vốn là sân chơi mà các đấng mày râu thống trị, nhưng cuối cùng lại đánh mất sự tín nhiệm của các cử tri và chính các thành viên trong Công đảng cầm quyền.
Gillard sinh ngày 29/9/1961 tại Barry, miền nam xứ Wales. Khi mới 4 tuổi, Gillard cùng bố mẹ tới Australia định cư với hy vọng khí hậu ấm áp hơn ở nơi đây sẽ giúp ích cho bệnh phổi kinh niên của bà.
Là một học sinh sáng dạ, bà đã đọc về nghệ thuật và luật pháp tại Adelaide, nơi gia đình định cư. Gillard trở thành chủ tịch của Liên đoàn Sinh viên Australia vào năm 1983. Bà là luật sư quan hệ công nghiệp trước khi dấn thân vào chính trị trong vai trò cố vấn trưởng cho thủ lĩnh phe đối lập tiểu bang Victoria thời đó là John Brumby.
Sau khi bị Công đảng từ chối việc giành một ghế trong quốc hội, Gillard đã vào Hạ viện Australia hồi năm 1998.
Bà đang sống cùng bạn trai Tim Mathieson, một người từng làm nghề cắt tóc.
Nhật Nam (theo AFP)