- 40 năm sau bức ảnh " Em bé napalm", đoàn làm phim AP, ABC News quan tâm điều gì nhất khi cùng ông về lại Việt Nam thực hiện phim tư liệu?
- Đoàn phim AP có hai phóng viên, một người quay phim và một nhà báo phỏng vấn. Đoàn ABC News ngoài phóng viên còn có thêm 24 người là giáo viên và học sinh của trường phổ thông Santa Barbara (Mỹ).
Họ không chỉ muốn tôi kể lại hoàn cảnh chụp khoảnh khắc Phan Thị Kim Phúc hoảng loạn trước sức tàn phá của bom napalm, mà còn muốn ghi lại những khoảnh khắc mới, mang đậm dấu ấn hòa bình khi theo chân tôi đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP HCM, hay quay về Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi chiến trường xưa, cũng như quay khung cảnh hòa bình hôm nay.
Bộ phim tài liệu của ABC News, mang tên "Bức ảnh cô bé bom napalm", dự kiến được phát hành trong tháng 5.
Nick Út tại Trảng Bàng, Tây Ninh, đúng địa điểm mà ông chụp được bức ảnh huyền thoại cách nay 40 năm. Ảnh: Nguyễn Hữu Tuấn Anh. |
- Ông cảm thấy thế nào khi phải kể đi kể lại câu chuyện về bức ảnh này hàng chục năm nay?
- Đó là một câu chuyện cũ, nhưng tôi chưa bao giờ thôi cảm xúc khi nhắc lại nó. Mỗi lần kể lại, mọi thứ cứ hiển hiện ra trước mắt, khi tôi nhìn thấy Kim Phúc hoảng loạn chạy với từng mảng da đang tuột ra trên cơ thể dưới sức nóng của bom napalm. Cảm xúc vẫn nguyên vẹn.
- Nếu nói rằng Nick Út quá bị "ám ảnh" với những hào quang mà ông đạt được từ bức ảnh lịch sử này, ông thấy sao?
- Phải nói chính xác hơn là tôi bị ám ảnh bởi chiến tranh chứ không phải bởi bức ảnh nổi tiếng cùng những thành công mà mình may mắn có được từ nó.
Nhà tôi tại Mỹ ở gần sân bay Los Angeles. Nhiều khi nửa đêm có máy bay bay qua, tôi đang ngủ trên giường lại hoảng hồn bật dậy tưởng như tiếng máy bay năm xưa. Có những ký ức đã in hằn như một phản xạ, không thể nào bỏ được.
Đôi khi tôi cũng chạnh lòng khi biết có nhiều người nghĩ Nick Út cứ bám hoài vào câu chuyện cũ. Nhưng, trong nghề phóng viên chiến trường, khi đã ghi được khoảnh khắc lịch sử vào bức ảnh thì bức ảnh tự thân nó có sức sống trường tồn vì những giá trị thông tin mà nó mang trong đó. Dù câu chuyện có được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì vẫn giữ nguyên sức rung cảm với thế giới.
Hai phóng viên của AP phỏng vấn Nick Út về khoảnh khắc ông thực hiện bức ảnh "Em bé bom napalm". Ảnh: Nguyễn Hữu Tuấn Anh. |
- Bài học nào ông thường chia sẻ với những người trẻ gắn bó với nghề phóng viên ảnh?
- Tôi làm việc cho AP hơn 40 năm, nhưng chỉ cần một sai lầm nhỏ thì chắc chắn sẽ bị mất việc ngay. Vì thế, đến với nghề phóng viên ảnh, sự cẩn thận, tận tâm với nghề điều cần phải có.
Với ảnh báo chí, ảnh thời sự, tôi không bao giờ dùng photoshop. Báo Mỹ cũng không bao giờ chấp nhận phóng viên dùng ảnh photoshop. Tôi thường kể cho các bạn trẻ nghe câu chuyện nổi tiếng về một phóng viên báo Los Angeles Time tác nghiệp ở Iraq, chụp một người lính đang cầm súng. Do sau lưng anh ta dây điện chằng chịt, phóng viên đã dùng photoshop xóa dây điện đi cũng như xử lý nhiều kỹ thuật trên bức ảnh. Bức ảnh được tòa báo sử dụng, nhưng sau đó, có độc giả phát hiện phóng viên đã sửa ảnh. Thế là công sức làm việc của anh này trong bao năm bị tòa soạn hủy hết.
Một phóng viên khác làm cho Reuters, chụp được bức ảnh máy bay Israel nhào xuống bỏ bom ở Libăng. Thấy khói trên bức ảnh chưa đủ đen, anh ta đã dùng photoshop để "nhân" khói đen thêm. Khi tòa soạn phát hiện, anh ta cũng bị sa thải.
- Trong thời đại truyền thông hiện nay, theo ông, vai trò của phóng viên ảnh thế nào?
- Vai trò đó càng quan trọng trong thời hiện đại này. Một bức ảnh thời sự không được qua photoshop mà phải tuyệt đối chân thật về không gian, bối cảnh, thời gian và mô tả nhân vật. Không được dàn xếp nhân vật kiểu như bắt nhân vật hướng vào ống kính máy ảnh.
Và điều trên hết là bức ảnh phải cho thấy được lương tâm của người phóng viên ảnh. Câu chuyện về bức ảnh "Kền kền chờ đợi" và việc phóng viên chụp bức ảnh này đã tự sát luôn ám ảnh tôi.
Ngày trước, nếu tôi chỉ chụp ảnh Kim Phúc và sau đó bỏ mặc số phận cô, chắc tôi cũng tìm đến cái chết chứ không thể thanh thản như ngày hôm nay.
- Cảm xúc của ông trong lần về nước này khác với những lần trước thế nào?
- Nhân dịp ABC News mời về làm phim, tôi đã xin thêm ngày phép để về thăm gia đình, thăm quê hương. Lần này về, tôi có nhiều thời gian hơn cho anh em, bạn bè, người thân. Tôi muốn đi thật nhiều, về lại những chiến trường xưa như Đông Hà, Quảng Trị, chụp thêm thật nhiều ảnh của ngày hôm nay, về diện mạo mới, ngày càng đổi thay của đất nước. Tôi thích hình ảnh những cô gái mặc áo dài trên đường, cảnh gánh hàng hoa, cuộc sống sinh hoạt thôn quê... Tôi yêu Việt Nam. Về nước vài tuần với tôi chưa bao giờ đủ.
Nick Út chụp ảnh cùng cô Ba, người bạn lâu năm của ông ở Nhà lớn Long Sơn, Vũng Tàu. Ảnh: Vũ Bích Hồng. |
- Kế hoạch sắp tới của ông là gì?
- Cuối tháng 4 này tôi sẽ quay lại Mỹ. Cũng sắp vào mùa bầu cử ở Mỹ nên lại tiếp tục với công việc bận rộn của mình. Ngoài ra, tôi bắt tay vào chọn lọc lại các bức ảnh của mình để gửi về Việt Nam, bàn bạc cùng anh Đoàn Công Tính (cựu phóng viên báo Quân đội Nhân dân) để chuẩn bị cho tập sách ảnh chung của hai anh em, dự kiến mang tên "Chiến tranh và Hòa bình". Ngoài ra, tôi cũng hy vọng trong năm nay tôi và anh Tính có thể thực hiện triển lãm ảnh cùng tên trong nước. Tôi luôn xem Đoàn Công Tính như người anh không chỉ trong nghề nghiệp, nên tôi rất vui khi hai anh em làm việc cùng nhau trong dịp này.
Tháng 9 sắp tới, tôi và Kim Phúc sẽ sang Đức để nhận giải Hall of fame do hãng Leica tài trợ và làm một số triển lãm hình ảnh của tôi tại Đức.
Thoại Hà thực hiện