- Nhân duyên nào giúp bà được lên Điện Biên Phủ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1994?
- Năm đó, đến Việt Nam rồi tôi mới biết các bạn đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Những nhà báo nước ngoài bàn tán xôn xao về việc liệu Đại tướng có lên Điện Biên vào đúng ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng hay không, và họ sẽ lên bằng cách nào. "Có thể mình cũng nên đi", tôi tự hỏi và cùng chung thắc mắc với họ.
Một lần tôi đến thăm nhà Đại tướng, ông nói nhỏ vào tai tôi: "Cô có muốn cùng tôi lên Điện Biên Phủ không? Mấy ngày nữa chúng tôi sẽ lên đường".
Tôi không được chia sẻ với bất cứ nhà báo nào về chuyện này, trong khi vẫn nghe họ tiếp tục bàn tán. Nhưng ngay khi trở lại Hà Nội, tôi có gặp một người làm việc cho hãng thông tấn AP ở Việt Nam. "Anh biết chuyện gì không? Tôi vừa trở về từ Điện Biên Phủ, tôi đi cùng Đại tướng", tôi nói với anh ấy.
Anh trợn tròn mắt: "Cô có đùa không đấy?"
"Thật đấy. Tôi đang có trong tay một câu chuyện tuyệt vời", tôi đáp.
- Điều gì khiến chuyến đi này trở thành cuộc đồng hành đáng nhớ nhất của bà với Tướng Giáp?
- Đó là một cơ hội độc quyền mà bất cứ nhà báo, nhiếp ảnh gia nào cũng thèm muốn, dù tôi không phải một nhiếp ảnh gia thích cạnh tranh. Được cùng Đại tướng lên Điện Biên Phủ trong một chuyến đi riêng là điều không thể tưởng tượng được.
Khó khăn của nhiếp ảnh là bạn phải ở đúng chỗ vào đúng thời điểm. Bạn không thể đứng đằng sau những chiếc dây thừng, sau đám đông. Với vai trò nhiếp ảnh gia, tôi được đứng chỉ cách Đại tướng khoảng nửa mét, trong ba ngày. Có được sự tự do trong suốt chuyến đi để chớp được những bức ảnh gần gũi của nhân vật là một điều đầy hứng khởi.
- Tháng 4 vừa qua, bà được trở lại Điện Biên Phủ sau 20 năm, lần này cùng gia đình Đại tướng. Chuyến đi có mục đích gì?
- Chương trình Talk Vietnam muốn làm chương trình về tôi và tình bạn với Tướng Giáp cũng như gia đình ông. Bên cạnh đó, gia đình Đại tướng từ lâu cũng muốn đưa các cháu, chắt trong nhà lên Điện Biên Phủ để giáo dục các em về lịch sử đất nước, về cội rễ, về nơi Tướng Giáp từng chinh chiến. Vì vậy, khi tôi nói với họ về ý định của chương trình, họ đồng ý vì đây là điều họ muốn làm từ lâu.
- Ấn tượng ngày trở lại Điện Biên Phủ của bà ra sao?
- Tôi thấy việc di chuyển đến nhiều địa điểm trở nên dễ dàng hơn. Tôi đã ghi chép cẩn thận hồi năm 1994, rằng chiếc xe Jeep chở tôi đi mất vài giờ mới tới Mường Phăng. Lần này chỉ mất 45 phút. Lần trước đường đi rất kinh khủng, đầy những ổ gà, nhưng lần này chúng tôi đi như lướt vậy.
Điên Biên Phủ giờ đã phát triển hơn. Năm 1994, có một chiếc xe tăng trên đồi A1 nằm giữa trời. Giờ thì nó đã có thêm mái che. Tôi nghĩ hầm De Castries cũng vậy. Hồi xưa mọi thứ không được bảo tồn nhiều, giờ thì đã có cả tiệm đồ lưu niệm.
Video: Catherine Karnow trở lại Điện Biên Phủ sau 20 năm
- Cách đây 20 năm, người dân Điện Biên chào đón Tướng Giáp với một sự háo hức xen lẫn tôn kính, còn bây giờ khi con cháu của ông tới, họ có thái độ ra sao?
- Một điều rất hấp dẫn đối với tôi là khi chúng tôi đi thăm bảo tàng, tượng đài hay Mường Phăng, gia đình Đại tướng nổi bật vì họ mặc những chiếc áo đồng phục rất đẹp, có hình chân dung của ông. Nhưng tôi luôn bất ngờ vì dường như tất cả mọi người, từ khách du lịch, người dân, hay người bán đồ lưu niệm đều không hề nhận ra họ.
Chỉ có đúng một lần, tại hầm De Castries, một số cựu chiến binh đến tham quan nhận ra anh Võ Điện Biên, con cả của Tướng Giáp, và mọi người muốn chụp ảnh cùng anh. Tôi có hỏi các biên tập viên ở đài truyền hình vì sao không ai nhận ra họ, thì được biết họ sống khá kín tiếng.
- Bà có thể chia sẻ một khoảnh khắc đặc biệt trong chuyến đi vừa qua?
- Tôi được chứng kiến anh Điện Biên dạy những đứa trẻ về chiến dịch, những chuyện đã xảy ra. Và khi mọi người rời lán của Đại tướng, xuống dưới nghỉ, tôi có một lúc để chụp ảnh anh ngồi một mình, với những bông hồng họ đem theo trên bàn.
Khung cảnh rất yên tĩnh, và tôi chụp anh khi anh đang nghĩ ngợi. Chúng tôi không nói gì, nhưng sau đó, tôi có hỏi: "Lúc đó anh cảm thấy thế nào?". Và anh trả lời: "Tôi cảm thấy sự hiện diện của cha tôi". Nói cách khác, anh ấy thực sự đã cảm thấy linh hồn cha mình đang hiện hữu.
- Nhắc đến Tướng Giáp, là người chụp được những bức ảnh đẹp của ông trong nhiều năm, bà thấy điểm khó và dễ khi chụp ông là gì?
- Tôi chuyên về chụp ảnh con người và đã chụp hàng nghìn người trong sự nghiệp của mình. Điều thú vị là chúng ta không thể biết việc chụp một người dễ hay khó cho tới khi bắt đầu chụp ảnh họ. Một người sôi nổi nhất có khi lại rất khó chụp, trong khi một người rất thụ động lại có thể rất ăn ảnh.
Đối với một số người như Tướng Giáp, sẽ dễ chụp hơn khi họ đang hành động thay vì đứng trước máy ảnh. Ở Điện Biên Phủ, ông đi rừng, nhìn xung quanh, bình luận, trò chuyện, hân hoan khi gặp mọi người, khi đó ông là một chủ thể tốt vì ông rất sôi nổi.
Nhưng chụp chân dung ông không dễ dàng chút nào, bởi cảm xúc của ông không dễ bộc lộ ra ngoài. Người ta khó thâm nhập sâu để biết ông nghĩ gì. Với vai trò một nhiếp ảnh gia, công việc của bạn là phải làm sao đưa cảm xúc đó ra, cho nhân vật không gian để thể hiện bản thân.
- Lúc sinh thời, cha bà, nhà báo, nhà sử học Stanley Karnow trao đổi với bà điều gì về Điện Biên Phủ?
- Cha tôi và tôi có nói chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng thường không trao đổi sâu về sự phức tạp của nó. Vài năm gần đây, có một quyển sách bìa cứng, dày khoảng 600 trang, được xuất bản, nói riêng về chiến dịch Điện Biên Phủ, chứ không phải về Thế chiến II. Điều đó đủ cho thấy sự phức tạp của chiến dịch.
Nhưng cha tôi thường kể những giai thoại hấp dẫn về con người, như chuyện một sĩ quan pháo binh tự sát trong hầm khi biết họ thua trận. Những câu chuyện này khiến mọi thứ trở nên cuốn hút. Đó là một trong những lý do cha tôi là một nhà báo giỏi. Vì ông ấy luôn có những câu chuyện về con người mà ai cũng hiểu. Những bài viết của ông không bao giờ khô khan và nhàm chán.
- Có những quan điểm trái chiều về việc nhìn nhận lịch sử. Một số người nói ta phải tự hào về nó, luôn ghi nhớ sự hy sinh của các thế hệ đi trước để biết trân trọng và tích cực xây dựng đất nước thời nay. Một số khác cho rằng nên khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, đừng đắm chìm trong chiến thắng để rồi kiêu ngạo. Bà nghĩ thế nào về điều này?
- Tôi nhớ hai câu nói của cha tôi, nhà sử học Stanley Karnow, trong sách của ông, đại ý là "Lịch sử sinh ra để lặp lại chính nó", và "Chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình và không lặp lại chúng". Cả hai điều này đều đúng.
Điều quan trọng là phải biết lịch sử của nước mình, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta không được quên, chúng ta phải tự hào hoặc phải hiểu liệu điều gì là sai lầm. Sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là một sai lầm, và chúng tôi nên nhớ điều đó. Nhưng thật không may, chúng tôi không nhớ, và chúng tôi lặp đi lặp lại nó. Đó không phải là điều đúng.
Trọng Giáp