MNEK diễn ra từ ngày 12 đến 16/4 ở vùng biển ngoài khơi thành phố Padang, thủ phủ tỉnh Tây Sumatra của Indonesia và tập trung vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai. Lần đầu tiên và cũng là lần gần nhất MNEK được tổ chức là vào năm 2014 ở Batam, Indonesia.
Đô đốc Tomohisa Takei, tham mưu trưởng Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF), cho hay ông hy vọng sự tham gia của Nhật Bản ở MNEK sẽ giúp tăng cường kỹ năng tác chiến, xây dựng niềm tin và thắt chặt hợp tác giữa các nước.
Tàu khu trục trực thăng JS Ise, trọng tải 13.950 tấn, là một tàu sân bay ngụy trang và là một trong những phương tiện tác chiến chống ngầm hiện đại nhất của JMSDF. Nó có thể chở đến 11 trực thăng chống ngầm SH-60J/K Seahawk nhưng cũng có thể được điều chỉnh để thích nghi với chiến đấu cơ F-35B Joint Strike Fighters hay MV-22 Osprey.
JS Ise cũng là tàu dẫn đầu của một hạm đội đã tham gia cuộc tập trận thường niên với hải quân Mỹ mang tên Guamex gần đảo Guam ở Thái Bình Dương hồi tháng một.
Theo Japan Times, việc tàu chiến JS Ise đi qua Biển Đông đến tập trận cùng Indonesia không liên quan gì đến hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Tuy nhiên, một quan chức Nhật Bản giấu tên nói rằng sự hiện diện của JS Ise ở Biển Đông gửi đi "một thông điệp mạnh mẽ" tới Trung Quốc và các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh tại đây. Tàu chiến này từng ghé thăng vịnh Subic ở Philippines tuần trước.
Một quan chức quốc phòng nói với Yomiuri Shimbun rằng chuyến thăm của JS Ise đến Philipines "nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị nhưng cũng mang thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc".
Trong một cuộc họp báo hồi tháng 3, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từng bày tỏ sự tức giận về việc các tàu chiến Nhật Bản di chuyển qua Biển Đông. Ông này cáo buộc Nhật Bản "từng chiếm đóng trái phép các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông trong Thế chiến II". "Chúng tôi báo động cao trước nỗ lực của Nhật Bản nhằm quay lại Biển Đông bằng các phương tiện quân sự", ông Hồng nói.
Anh Ngọc