"Trong bối cảnh môi trường quốc tế ngày càng khắc nghiệt, tại buổi hội đàm hôm nay, chúng tôi đã nhất trí cho rằng thượng tôn pháp luật trên biển là điểm không thể thiếu được trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định của các vùng biển, trong đó có Biển Đông và Biển Hoa Đông", ông Kishida phát biểu trong cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ngoại trưởng Nhật thông báo cung cấp cho Việt Nam 6 con tàu và trang thiết bị đảm bảo an ninh trên biển trong khuôn khổ gói viện trợ không hoàn lại trị giá 500 triệu Yên cho Việt Nam.
"Tôi hy vọng rằng những trang thiết bị này sẽ góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam", Kishida nói.
Theo ông Phạm Bình Minh, hai ngoại trưởng nhất trí rằng các bên liên quan ở Biển Đông cần tuân thủ Tuyên bố ứng xử Biển Đông DOC, không có hành động làm phức tạp tình hình.
Trước đó, báo chí Nhật dẫn nguồn tin trong chính phủ nước này cho biết trong số các tàu nói trên có hai tàu tuần tra thuộc Cơ quan ngư nghiệp Nhật, và 4 tàu cá thương mại, trọng tải 600-800 tấn. Các tàu này đều có thể sử dụng thành tàu tuần tra biển. Nhật Bản cũng cung cấp cho Việt Nam xuồng cứu sinh và các phương tiện khác đi kèm tàu.
Phát biểu trước khi đến Việt Nam, ông Kishida cho hay chuyến thăm này nhằm thúc đẩy hợp tác về nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích song phương của hai nước, trong đó có an ninh hàng hải.
Trước những hành vi tuyên bố chủ quyền ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông, ông Kishida khẳng định Tokyo phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Ngoại trưởng hy vọng Hà Nội và Tokyo sẽ cùng hợp tác trên biển, cùng nhau duy trì trật tự hàng hải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Quan hệ giữa Hà Nội và Tokyo thời gian qua có những bước phát triển mạnh mẽ. Hai nước đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ thành "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang hồi tháng 3.
Hai ngoại trưởng cũng nhất trí tăng cường thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thông qua triển khai giai đoạn 5 Sáng kiến chung Việt - Nhật, phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, trao đổi các biện pháp thúc đẩy thương mại, trong đó có các mặt hàng nông sản phẩm. Đồng thời trao đổi hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai hình thức hợp tác công tư (PPP) như dự án cầu Bạch Đằng, Đại học Cần Thơ, Đại học Việt Nhật.
Ông Phạm Bình Minh thông báo hôm qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức thông qua kế hoạch hành động cho bốn ngành gồm máy nông nghiệp, điện tử, chế biến lâm thủy sản, môi trường và tiết kiệm năng lượng trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đến 2020, tầm nhìn đến 2030.
Việt Anh