Tokyo đánh giá Bình Nhưỡng cam kết điều tra lại những vụ mất tích của công dân Nhật cho thấy nước này sẵn sàng giải quyết vấn đề kéo dài hàng chục năm này và điều đó cần được đáp lại xứng đáng, AFP dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho hay.
"Theo nguyên tắc hành động để hành động, chúng tôi sẽ dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt mà Nhật Bản áp đặt với Triều Tiên", ông Abe nói.
Theo Reuters, Tokyo sẽ xóa lệnh cấm đi lại giữa hai nước, bỏ hạn chế về số tiền có thể gửi hoặc mang tới Triều Tiên mà không cần báo nhà chức trách, đồng thời cho phép tàu Triều Tiên cập cảng Nhật Bản vì mục đích nhân đạo.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa đại diện hai nước tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cuộc gặp nhằm thảo luận về số phận của hàng chục, thậm chí hàng trăm, người Nhật từng bị Bình Nhưỡng bắt cóc trong những năm 1970.
Nhật báo Nikkei cho hay Triều Tiên đã trình Nhật Bản danh sách ít nhất 10 người Nhật, bao gồm những người được cho là bị bắt cóc, đang sống ở Triều Tiên. Tokyo sẽ phân tích danh sách, so sánh với thông tin về những người mất tích. Trong khi đó, Bình Nhưỡng dự định lập ủy ban điều tra với "quy mô khá lớn", do một thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un phụ trách, để điều tra vụ việc.
Bình Nhưỡng năm 2002 thừa nhận từng bắt cóc 13 công dân Nhật Bản để huấn luyện tiếng Nhật cũng như phong tục Nhật Bản cho điệp viên Triều Tiên. 5 người trong số này đã đoàn tụ với gia đình. Bình Nhưỡng nói 8 người còn lại đã chết và kết thúc vụ việc. Tokyo sau đó yêu cầu Bình Nhưỡng cung cấp thông tin cụ thể, đồng thời nghi ngờ có thể còn hàng trăm người Nhật bị bắt cóc.
Nhật Bản không có quan hệ ngoại giao chính thức với Triều Tiên và quan hệ giữa hai nước trong nhiều năm qua khá căng thẳng. Những dấu hiệu ấm lên gần đây giữa hai nước xuất hiện sau khi Triều Tiên có vẻ không được Trung Quốc, đồng minh lớn và lâu dài nhất, ưu ái như trước nữa.
Như Tâm