Đan là một trong 10 hướng đạo sinh xuất sắc được đại diện cho 2,3 triệu thành viên của Hội Hướng đạo Mỹ trao bản phúc trình thường niên lên Tổng Thống Obama và quốc hội. Ngày 1/3, em đã cùng các đoàn hướng đạo sinh đến Nhà Trắng và có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Mỹ. Trong 6 ngày, Đan cùng phái đoàn cũng gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao của quốc hội, chính phủ và Tòa án Tối cao.
Chuyến đi của Đan được nhiều người bạn bè, thầy cô giáo trong học khu và những người dân trong thành phố Cypress, bang California quan tâm theo dõi. Khi trở về trường trung học Oxford, mọi người chúc mừng và bày tỏ sự ngưỡng mộ với Đan, tuy nhiên nam sinh giản dị chỉ nở nụ cười đáp lại: "Em không có giỏi thế đâu".
Gia đình
Chia sẻ với VnExpress, ông Tạ Ngọc Lữ, cha của Đan, cho hay từ khi sinh ra, cậu con trai cả đã có tính tình lạc quan, khiêm nhường, thích thử thách nhưng không thích hơn thua. Về trí tuệ và các tố chất, ông cho rằng Đan cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa. Yếu tố làm nên sự khác biệt ở Đan nằm ở cách thức dạy dỗ của gia đình em.
Ông Lữ từ một làng chài nhỏ ở Vũng Tàu sang Mỹ định cư năm 1981, khi đang học dở lớp 6. Trong những năm sau đó, ông nỗ lực bắt đầu lại việc học trung học ở Mỹ và tranh thủ làm thêm để kiếm tiền gửi về cho gia đình trước khi lấy bằng kỹ sư. Nhờ nỗ lực, ông tốt nghiệp với giải thưởng mà chỉ có 1% sinh viên của trường nhận được. Tên tiếng Việt của ông được nhà trường cẩn thận khắc bằng tay với đầy đủ dấu "Tạ Ngọc Lữ" ngay trên giải thưởng bằng đồng. Sau 30 năm làm việc trong ngành kỹ thuật, ông hiện chuyển sang ngành địa ốc.
Ông kết hôn với bà Võ Lan, người từng là một cô giáo, và định cư tại California. Cậu con trai đầu lòng được họ đặt tên là Di Đan, với chữ Di trong Phật Di Lặc và chữ Đan mang ý nghĩa đơn giản là đan kết. Ông Lữ muốn con mình sau này có tinh thần lạc quan, hay vui cười và có khả năng kết nối mọi người lại với nhau. Ông thậm chí còn tra cứu từ "Zidan" trong tiếng Arab và tiếng Do Thái và được biết từ này có nghĩa là tiến bộ và cởi mở.
Đúng như tên gọi này, từ lúc một tuổi, Đan đã được cha mẹ tích cực đưa ra ngoài, gặp gỡ với nhiều người xung quanh và trò chuyện với những mảnh đời khác nhau.
"Họ có thể thành công hay thất bại nhưng qua những cuộc trò chuyện, Đan có thể nhận thức được giá trị của lao động, kết quả của sự chịu khó và ý nghĩa của lòng từ tâm", ông Lữ nói. "Chúng tôi tin rằng dạy dỗ theo phương pháp thực tiễn sẽ giúp con tiếp thu nhanh hơn. Chỉ cọ xát với thực tế, chạm mặt với thử thách, con mới có thể dạn dĩ, tự tin và không nản chí khi thất bại".
Ông Lữ và vợ không cấm đoán con sử dụng Internet hay mạng xã hội bởi đây là phương tiện hữu ích để họ tìm hiểu về cá tính, hoạt động của con và kịp thời uốn nắn, hướng dẫn khi cần thiết. Cha mẹ luôn khuyến khích Đan và em gái là Ivy lập luận, đáp trả trong các cuộc tranh luận và khi họ sai, họ sẵn sàng thừa nhận và sửa chữa để làm gương cho các con.
Để sớm rèn luyện sức chịu đựng và kỷ luật cao, Đan được cha mẹ ghi danh vào tổ chức Thiếu sinh Hải quân Mỹ để học hỏi về các kỹ năng và kỷ luật của lực lượng Hải quân.
Tại đây, bài học đầu tiên của các thiếu sinh quân là luyện cách bắt tay chặt và có cái nhìn tự tin. Đan còn có cơ hội tham gia khóa huấn luyện dài hai tuần trong môi trường quân đội ở trại Pendleton, thức dậy lúc 5h30 và đi ngủ lúc 22h00. Nhờ sự phấn đấu và học hỏi không ngừng, Đan đạt đến cấp chỉ huy.
Trong thời gian đó, Đan cũng trở thành thành viên tích cực của Hội Hướng Đạo, một tổ chức thanh thiếu niên lớn của Mỹ với các hoạt động ngoài trời nhằm giúp thanh thiếu niên rèn luyện kỹ năng sống, trí tuệ và thể lực để góp phần xây dựng xã hội. Trong Hội Hướng Đạo, Đan học được tính tự lập, kỷ luật, cách thức vâng lời chỉ huy và chỉ huy đồng đội cũng như nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên.
Cha mẹ là người đồng hành cùng Đan trong các sinh hoạt của Hội Hướng Đạo hàng tuần, cùng em dã ngoại, cắm trại, thiện nguyện, đồng thời kết bạn với các gia đình hướng đạo sinh khác để chia sẻ kinh nghiệm giáo dục.
Đồng bạc Thông minh
Đẳng cấp cao nhất của hướng đạo sinh là Đại Bàng. Để đạt được đẳng cấp đó, họ phải thực hiện thành công một dự án do mình tự lập ra và quản lý. Hầu hết các hướng đạo sinh chọn những dự án thủ công ngắn hạn, mang lại lợi ích cho cộng đồng trong phạm vi nhỏ. Trong khi đó, ở tuổi 14 tuổi, Đan tự chọn cho mình một lối đi khó hơn.
Cách đây hai năm, ông Lữ thông báo với vợ con rằng ông có thể sẽ mất công việc kỹ sư phần mềm và với số tiền tích cóp được bấy lâu, gia đình họ vẫn đủ sống nhưng sẽ phải hạn chế các khoản chi tiêu.
Từ thực tiễn gia đình, Đan nảy ra ý tưởng sáng lập Câu lạc bộ Đồng bạc Thông minh nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và cách thức giúp các học sinh trung học biết quản lý tiền bạc và hiểu được giá trị của việc tiết kiệm tiền từ khi còn trẻ.
Trong dự án dài 20 tháng này, em đã nhiều lần vấp phải những rào cản tưởng không qua được. Ngay từ đầu, nhiều người khuyên Đan là không nên theo đuổi vì đề tài quá khó và khô khan. Đơn xin lập câu lạc bộ của em cũng không được chấp nhận.
Có lần Đan bị đưa lên phòng hiệu trưởng vì cho bạn mượn điện thoại trong giờ học, em chực khóc vì nghĩ rằng điều này có thể khiến ước mơ thành lập câu lạc bộ của mình trở nên xa vời. Tuy nhiên, thầy hiệu trưởng khẳng định rằng "hai chuyện này là riêng biệt". Dù bị phạt, Đan vẫn vui vẻ và bắt tay thầy hiệu trưởng thật chắc trước khi rời đi.
Sau nhiều nỗ lực tự thân, câu lạc bộ của Đan cuối cùng cũng có được giấy phép và đi vào hoạt động. Với sự giúp đỡ của mọi người, nam sinh này sau đó đứng ra tổ chức một hội thảo liên trường với sự tham dự của 700 khán giả và mời Bộ trưởng Tài chính của bang California John Chiang làm khách mời.
Đan lần đầu gặp ông Chiang khi ông còn là Trưởng Thanh Tra Ngân Khố bang California. Biết rằng việc tiếp cận với quan chức này là rất khó cho một đứa trẻ14 tuổi, Đan đã canh một cuộc họp báo của ông và mạnh dạn bước tới đề nghị ông đến nói chuyện tại buổi hội thảo mà em sẽ tổ chức.
Nhìn gương mặt trẻ trung và thành khẩn, ông Chiang đồng ý và giới thiệu em qua nhân viên tháp tùng để thu xếp cuộc gặp. Tuy nhiên sau đó, ông đắc cử thành Bộ Trưởng Tài chính bang và Đan phải tìm kiếm các đầu mối để liên lạc lại từ đầu.
Buổi hội thảo với quan chức hàng đầu bang diễn ra thành công trong sự dẫn dắt của Đan là người tổ chức kiêm dẫn chương trình với nhiều kinh nghiệm bổ ích cho các học sinh về việc quản lý tài chính được ông Chiang chia sẻ. Ngoài ích lợi lớn cho cộng đồng, dự án Đồng bạc Thông minh còn mang lại những bài học quý giá cho Đan và giúp em khẳng định được năng lực của mình để đạt tới đẳng cấp Đại bàng.
Mới 16 tuổi nhưng hiện Đan đã có bằng lái thuyền buồm và bằng lái máy bay với 30 phút tự lái. Năm ngoái, nam sinh gốc Việt này là một trong số ít thanh thiếu niên được tờ báo uy tín của địa phương OC Register bình chọn vào top 100 người có ảnh hưởng nhất quận Cam.
Hồi tháng một, em được thị trưởng thành phố Cypress vinh danh trước 300 quan khách, lãnh đạo địa phương và trao bằng chứng nhận cùng chìa khóa danh dự cho công dân xuất sắc.
Hôm 23/3, Đan được hội đồng thành phố Westminster vinh danh tại cuộc họp thường kỳ. Cuối tháng 4 tới, em là một trong những cá nhân được tổ chức OneOC của quận Cam tuyên dương vì tinh thần tình nguyện vì cộng đồng.
Tuy nhiên, cậu bé 16 tuổi cho rằng con đường tương lai phía trước của mình vẫn còn rất dài, thành công và thất bại chưa ngã ngũ.
"Điều quan trọng là em luôn khắc sâu trong đầu lời dặn của cha mẹ rằng hãy nỗ lực hết sức trong mọi công việc", Đan nói.
Anh Ngọc