Tổng thống Mỹ Obama sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 23 đến 25/5. Đây là chuyến công du Việt Nam đầu tiên của ông Obama trong hai nhiệm kỳ và là tổng thống Mỹ thứ ba đến Việt Nam từ sau khi chiến tranh kết thúc.
Sự kiện này thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân trong nước mà còn từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ.
Ông Nguyễn Phương Hùng, ở bang California, đánh giá rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam mang ý nghĩa rất quan trọng khi nó diễn ra ngay trước thềm Hội nghị G7 ở Nhật Bản.
Những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông dự kiến là một trong các nội dung chính mà ông Obama sẽ thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam cũng như các lãnh đạo của G7. Nhóm các nước công nghiệp phát triển này từng nhiều lần bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có cải tạo các thực thể địa lý, xây dựng trên quy mô lớn và quân sự hóa các tiền đồn.
Ông Tạ Ngọc Lữ, một người Việt đã định cư tại Mỹ hàng chục năm, bày tỏ sự vui mừng trước chuyến thăm của ông Obama. Ông cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ "có khả năng bênh vực lẽ phải", nhất là trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng.
Ông nhận định theo chiều hướng vì lợi ích chung, chính phủ Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam và mở rộng hợp tác quân sự.
Cùng quan điểm, ông Quốc Lê, 70 tuổi, ở Los Angeles, kỳ vọng sau chuyến thăm và tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam của ông Obama, chính phủ Mỹ sẽ cân nhắc lại lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
"Tôi mong ông Obama có chính sách mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông", ông nói và cũng bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Anh Phan Võ Trung Hiếu, 27 tuổi, ở Boston, cũng tin tưởng vào viễn cảnh trên bởi Mỹ vốn coi trọng việc đảm bảo tự do hàng hải.
"Với chuyến thăm này, tôi rất hy vọng Việt Nam và Mỹ sẽ xích lại gần nhau, có những bước hợp tác quan trọng để đảm bảo an ninh ở khu vực Biển Đông", anh nói.
Là chủ tịch của VietChallenge, cuộc thi ý tưởng kinh doanh đầu tiên dành cho người Việt trẻ toàn cầu vừa diễn ra đầu tháng 4, anh Hiếu cũng quan tâm đến triển vọng hợp tác kinh tế và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong chuyến thăm của ông Obama.
"Tổng thống Obama là người đóng vai trò then chốt trong việc Mỹ ký kết hiệp định TPP với Việt Nam và các nước khác trong khu vực Thái Bình Dương. Hiệp định mở ra rất nhiều triển vọng trong việc hợp tác về mặt kinh tế, giao thương, đầu tư cũng như luật pháp giữa Việt Nam và Mỹ", anh nói. "Tôi kỳ vọng chuyến thăm này sẽ tạo đà cho một làn sóng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam, đồng thời cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội giúp các nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ".
Ông Phương Hùng tin tưởng hoàn toàn vào tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam bởi tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến đi lần này có rất đông doanh nhân.
"Ông Obama đã chứng minh được khả năng của mình khi phục hồi kinh tế Mỹ và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong vòng mấy thập kỷ qua", ông nói. "Hiện Mỹ đang là một trong những đối tác kinh tế - thương mại - đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Lượng vốn mà các nhà đầu tư Mỹ đổ vào Việt Nam cũng nằm trong tốp đầu, đặc biệt tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, một thị trường năng động".
Ông Ngọc Lữ cho rằng Việt Nam đang trong quá trình trở mình vươn lên, việc hợp tác với Mỹ sẽ mang lại cơ hội học hỏi và đầu tư vào công nghệ cao. Ông hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện để những tập đoàn công nghệ danh tiếng như Intel hay Apple của Mỹ tiếp cận sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Anh Trung Hiếu cho rằng chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng giữa Việt Nam và Mỹ trong hợp tác giáo dục. Chuyến thăm đúng vào dịp Đại học Fulbright, đại học độc lập đầu tiên của Việt Nam hoạt động theo mô hình các trường đại học nổi tiếng tại Mỹ, được chính thức cấp phép hoạt động.
"Fulbright Việt Nam được xây dựng dựa trên tiền đề của trường Kinh tế Fulbright, tổ chức đã nhận được rất nhiều hỗ trợ và giúp đỡ từ chính phủ Mỹ. Điều này chứng tỏ hai nước đã tiến gần hơn trong việc cùng hợp tác đẩy mạnh chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam, nhằm đạt chất lượng chuẩn của các trường đại học trên thế giới, đặc biệt là Mỹ", anh nói.
Với những thanh niên, sinh viên Việt Nam, nhất là các đại diện của tổ chức Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) có cơ hội giao lưu trực tiếp với ông Obama ngày 25/5, anh Hiếu tin rằng sự có mặt của ông Obama sẽ lan tỏa nhiều cảm hứng cho họ.
"Dù xuất thân không mấy khá giả và có nhiều trở ngại, ông đã vượt lên và trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Điều đó chứng minh rằng dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể nỗ lực vượt qua để đạt được những thành công trong nghề nghiệp và mang lại những thay đổi tích cực cho xã hội", anh nói.
Ngoài những thành tựu mà Tổng thống Obama mang lại cho nước Mỹ trong 8 năm ở Nhà Trắng, ông Phương Hùng đánh giá cao và trân trọng những đóng góp của ông trong việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam.
"Đó là sự tiếp nối và phát huy tư tưởng cũng như chính sách từ các tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Chưa bao giờ có nước cựu thù nào đón 3 tổng thống Mỹ liên tiếp tới thăm như Việt Nam. Dù chuyến thăm diễn ra khi nhiệm kỳ của ông Obama sắp kết thúc, nó vẫn khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ", ông nói. "Tôi tin rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà ông Obama đóng góp một phần lớn công lao sẽ còn được duy trì và phát triển hơn nữa trong các đời tổng thống kế tiếp của Mỹ".
Ông Ngọc Lữ tin tưởng việc Việt Nam thắt chặt quan hệ với Mỹ sẽ mở ra nhiều tiềm năng lớn.
"Hơn 40 năm qua, gần 2 triệu người Việt Nam định cư ở Mỹ đã có cuộc sống sung túc và hướng về quê hương. Có rất nhiều nhân tài Việt được Mỹ trọng dụng trong chính phủ, cũng như trong thương trường", ông nói. "Tôi hy vọng chính phủ mới của Việt Nam nắm bắt được thời cơ này".
Xem thêm: Báo chí quốc tế đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của Obama
Những người làm nên quan hệ Việt - Mỹ
Anh Ngọc