Khi năm mới 2014 đã bước sang được gần một tháng và hầu hết các cư dân ở quận Washington, bang Oregon, đã cất hết các băng giấy màu trang trí, thì những người theo lịch âm, bao gồm người Hoa, người Hàn và người Việt, lại rục rịch chuẩn bị đón năm mới của riêng họ vào ngày 31/1 tới.
Theo dữ liệu từ Điều tra Dân số Mỹ 2012, 4% cư dân bang Oregon là người châu Á. Dù không phải tất cả người Mỹ gốc Á ở đây đều tổ chức đón Tết, những địa điểm như Vườn Lan Tô ở thành phố Portland, vẫn thu hút đến 10.000 khách tham quan trong suốt dịp này, gấp gần 4 lần so với mức bình quân.
Dù mỗi nền văn hóa có những cách đón năm mới khác nhau nhưng các cư dân gốc Á đều dành thời gian để sum vầy cùng gia đình và tổ chức các hoạt động để cầu may mắn và thịnh vượng trong năm mới.
Tại nhà của Kuang ở thành phố Hillsboro, bang Oregon, Tết bắt đầu khi bà cùng mẹ vào bếp nấu món gà và hải sản để dâng lên ông bà gia tiên.
Kuang cho biết một trong những điều cô thích nhất dịp Tết là nhận phong bao lì xì. Thông thường, các cặp uyên ương mới cưới sẽ lì xì cho trẻ em để lấy may.
Trong dịp Tết, người Hoa cũng thường múa lân rồng, bắn pháo hoa, treo lồng đèn. Lễ hội đèn lồng của họ diễn ra vào đúng ngày rằm tháng giêng của năm mới âm lịch.
Seollal của người Hàn Quốc
Tết âm lịch của người Hàn Quốc gọi là Seollal. Ở Hàn Quốc, Seollal kéo dài ba ngày và hầu hết mọi người đều tranh thủ thời gian này để về thăm gia đình và cúng bái tổ tiên.
Trong bếp của nhà hàng Nak Won ở trung tâm thành phố Beaverton, bà Tae Lee đang xoay vần giữa những chiếc chảo bốc khói đầy thịt và rau. Ở góc bếp là nồi tteokguk sắp sôi. Tteokguk, món canh được nấu bằng chiếc bánh gạo thái mỏng, phía trên rải thịt bò ướp sẵn, hành lá và rong biển khô, là món ăn truyền thống vào dịp năm mới ở Hàn Quốc.
Kon Lee, con trai của bà Tae và là chủ của Nak Won, kể rằng anh ăn tteokguk vào những ngày đầu năm từ khi còn sống cùng gia đình ở Hàn Quốc. Lee hiếm khi để thừa canh trong bát bởi mọi người tin rằng món ăn này sẽ giúp họ thọ thêm một năm.
Từ khi sang Mỹ năm 1992, Lee đã thay đổi để thích nghi với Tết dương lịch của người phương Tây, nhưng bố mẹ anh vẫn giữ gìn những tập tục truyền thống của Tết âm lịch.
Tết của người Việt
Với Yến Nguyễn, một bồi bàn tại nhà hàng Việt Nam Vivi's ở Hillsboro, Tết Nguyên đán là thời gian để đoàn tụ gia đình và thưởng thức những món ăn ngon.
Yến cho biết Tết không thể không có bánh tét. Đó là loại bánh truyền thống của Việt Nam làm từ gạo nếp, với nhân đậu xanh và thịt lợn, được bọc trong lá chuối, luộc chín và cắt thành từng miếng tròn. Yến vẫn thường cùng mọi người trong nhà nấu bánh tét mỗi dịp Tết đến.
Sau bữa ăn đầu năm mới, trẻ con trong gia đình sẽ được mừng tuổi bằng những phong bao lì xì. Để mang không khí Tết của quê nhà đến Vivi's, các nhân viên của nhà hàng cũng sẽ lì xì những vị khách quen vào dịp năm mới.
Hoa mai Mỹ
Những nhánh forsythia, một loại hoa vàng đầu xuân và còn được gọi là hoa mai Mỹ, được chất cao trên những chiếc bàn gỗ bên trong một nhà kho của công ty hoa Oregon Roses ở thành phố Forest Grove. Cứ vài giây, các nhánh forsythia khẳng khiu lại được gói chặt thành một bó, gốc của chúng được kiểm tra và chặt bỏ bằng một đường lia dao nhanh như cắt.
Giữa tháng một lạnh lẽo, hoa forsythia vẫn chưa nở nhiều. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, những nhánh cây khô khan này sẽ vàng rực hoa và trở thành tâm điểm ở các gian hàng trong chợ Tết của người châu Á.
Tại Oregon Roses, mỗi năm có hàng nghìn bó forsythia được chuyển đến các nhà phân phối trên khắp cả nước, chủ yếu là vào dịp Tết âm lịch. Trong quan niệm của mọi người, những loài hoa như forsythia là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở và giàu có. Cây forsythia trong nhà nở hoa đúng vào dịp Tết là sự báo hiệu về một năm mới thịnh vượng sắp tới.
Hiện nay, Oregon Roses dành 30 trong số hơn 180 hecta diện tích trồng hoa cho cây forsythia.
"Doanh thu từ hoa forsythia vào dịp Tết âm lịch vượt cả doanh thu vào dịp Valentine", Andrew Siller, quản lý bán hàng Oregon Roses nói. "Không giống như hoa hồng, hoa forsythia mạnh mẽ và sống được lâu hơn".
Anh Ngọc