David tên thật là Nguyễn Trọng Dũng, là con nuôi trong một gia đình người Mỹ ở thành phố Boston, bang Massachusetts. Giống như nhiều đứa trẻ sang Mỹ trong chiến dịch Không vận Trẻ em tháng 4/1975, anh trải qua một thời thơ ấu khó khăn khi phải đối mặt với sự hiếu kỳ của mọi người xung quanh, chỉ vì vẻ bề ngoài khác với các thành viên trong gia đình.
Trong lá thư gửi người mẹ đẻ đang đi tìm, anh kể rằng mình "luôn ghen tỵ với những đứa trẻ khác khi họ mang những bức ảnh lúc bé tới trường".
"Tất cả những gì con có là tấm ảnh buồn bã của con tại trung tâm trẻ mồ côi với bảng tên trước mặt. Con giống như một tù nhân nhí, mặc những bộ đồ ngủ ngớ ngẩn", anh viết.
Phải mất một thời gian dài, David mới có thể chấp nhận sự thật mình là con nuôi và là người Việt Nam. Cũng từ đó, nỗi khao khát được biết về gốc gác dâng lên trong anh.
Chia sẻ với VnExpress, David cho hay anh bắt đầu đi tìm mẹ từ cách đây gần 10 năm. Theo thông tin trong Giấy Cam Kết Cho con, mẹ anh tên là Nguyễn Thị Ba, sinh năm 1941, quê ở Kien Hoa, được cho là Kiến Hòa, nay là tỉnh Bến Tre. Bà có thời gian sinh sống ở Sông Mao thuộc xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Năm 1971, bà làm giúp việc ở Biên Hòa rồi chung sống với một người lính Hàn Quốc. Ngày 12/6/1972, David chào đời từ mối tình của hai người.
Tuy nhiên, khi anh mới được 4 tháng tuổi thì cha anh về nước. Vì không có điều kiện nuôi con, tháng 7/1974, bà Ba gửi con trai vào tổ chức tiếp nhận và chăm sóc trẻ em Holt trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, Sài Gòn.
Đầu tháng 4/1975, anh Dũng nằm trong số gần 3.000 đứa trẻ rời Sài Gòn sang Mỹ trong chiến dịch không vận và bặt tin mẹ từ đó.
David trải qua nhiều thăng trầm trong suốt hành trình đi tìm mẹ. Anh đã thử nhiều cách như đăng tin trên Internet, liên hệ với các cơ quan báo chí Việt Nam và nhờ tổ chức Holt giúp đỡ nhưng không đạt được kết quả gì.
"Có nhiều lần tôi đã định dừng lại vì lo sợ. Tôi không dám chắc 100% mình đang tìm kiếm điều gì nữa", anh nói. "Tôi nghĩ những gì tôi muốn là đáp án cho những câu hỏi đã canh cánh suốt cuộc đời mình. Mẹ tôi là ai? Cha tôi là ai? Họ có đi tìm tôi không?".
Khi đứa con đầu lòng chào đời, David đã khóc. Anh khóc không chỉ vì niềm vui được làm bố mà đó còn là vì lần đầu tiên trong đời, anh được nhìn thấy một người có chung huyết thống với mình.
"Con đã ngắm con trai con và thấy thằng bé có đôi mắt, đôi môi và cái mũi của con. Và đó là một cảm giác tuyệt diệu", anh viết. Lúc đó, David cũng thấu hiểu được nỗi đau nếu cha mẹ phải lìa xa đứa con mà mình đứt ruột sinh ra.
David không biết gì về cha mình ngoài những phỏng đoán. Gần đây, anh nghĩ rằng có thể ông vẫn còn sống và bắt đầu đi tìm.
Sau nhiều nỗ lực thất bại trên hành trình tìm mẹ, David thừa nhận rằng càng nghĩ về bà, anh càng nhận ra điều quan trọng mà anh muốn chỉ đơn giản là báo cho bà biết rằng anh vẫn ổn. Anh hy vọng bà thanh thản khi quyết định trao anh cho trại trẻ.
"Dù tình trạng của mẹ lúc đó như thế nào, thì mẹ cũng đã làm những gì mà mẹ thấy tốt nhất cho cả con và mẹ. Con không oán hận mẹ. Không giận mẹ đâu, mẹ ạ", David viết trong thư. "Con xem việc làm con nuôi như cơ hội thứ hai để sống một cuộc đời mà mẹ đã muốn con được sống từ khi sinh con ra. Con muốn nói với mẹ là con sống tốt, hy vọng 40 năm qua mẹ cũng được bình yên và không phải lo lắng cho con".
Anh Ngọc