Chị Liên kết hôn với chồng người Singapore từ năm 2000 và năm sau đó rời Việt Nam sang New Zealand học tập, làm việc và sinh sống đến nay.
Cậu con trai của chị, Jayden Trịnh Jesudhass, chào đời tại thành phố Dunedin, ở đảo Nam của New Zealand, nơi cộng đồng người Việt chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, từ lúc mang thai cậu bé, chị Liên đã hạ quyết tâm phải dạy con nói giỏi tiếng Việt và biết yêu quê hương mẹ.
Ngày ngày chị thì thầm với con trai ở trong bụng các bài hát ru Bắc Bộ hoặc những ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam. Từ khi Jayden ra đời đến khoảng 3 tuổi, chị hoàn toàn chỉ trò chuyện với cậu bé bằng tiếng Việt để con trai làm quen và tập nói bằng ngôn ngữ này. Dường như vì quen được nghe hát ru từ trong bụng mẹ nên khi chào đời, Jayden cũng chỉ ngủ được khi mẹ hát cho nghe.
Công cuộc dạy tiếng Việt cho Jayden tưởng như xuôi chèo mát mái thì bất ngờ chững lại khi cậu bé bắt đầu đi học mẫu giáo.
"Lúc này mình nói tiếng Anh nhiều hơn vì muốn con hoà đồng với các bạn. Đây là một trong những sai lầm mà nhiều bậc phụ huynh người Việt sống ở nước ngoài gặp phải", chị Liên kể. "Mình cho rằng nếu chỉ nói tiếng Việt với con thì con sẽ không thể giao tiếp với các bạn. Về sau mình mới hiểu rằng, trí não của trẻ em hoàn toàn có thể tư duy được nhiều ngôn ngữ. Chúng có thể nói một lúc 2-3 thứ tiếng mà không bị lẫn lộn".
Vì sai lầm này mà vốn tiếng Việt của Jayden vừa đầy lên chưa được bao lâu lại vơi dần đi. Những năm sau đó, công sức dạy tiếng mẹ đẻ của chị Liên cho con trai gần như trở về con số không.
"Lúc đó, mình luôn tự an ủi rằng việc dạy tiếng Việt cho con ở nước ngoài là hoàn toàn không thực tế và bất khả thi do môi trường không có người Việt và chồng mình cũng là người nước ngoài", chị Liên cho hay.
Tuy nhiên, chính chồng chị lại là người đã cảm nhận được nỗi niềm ấy và khích lệ vợ bắt đầu lại công cuộc dạy tiếng Việt cho con đầy thử thách. "Hai vợ chồng đã nói chuyện và bàn bạc rất nhiều về việc này. Cuối cùng, mình hiểu ra rằng để con gìn giữ được giá trị văn hoá của Việt Nam, con nhất định cần học tiếng mẹ đẻ", người phụ nữ 42 tuổi nói.
Học tiếng Việt như học ngoại ngữ
Khi Jayden 9 tuổi, cơ hội để cải thiện khả năng nói tiếng Việt đến khi một người bạn của chị Liên từ Việt Nam sang New Zealand học thạc sĩ. Vợ chồng chị đã mời người bạn này đến dạy cho con tiếng Việt một cách bài bản. Chỉ trong vòng 6 tháng, Jayden đã bắt đầu nói thành thạo hơn, thậm chí còn biết đọc và viết tiếng Việt.
"Trẻ em rất háo hức học tiếng nước ngoài. Đối với Jayden, tiếng Việt giống như tiếng nước ngoài và cái cảm giác được nói chuyện với mẹ bằng một ngôn ngữ khác khiến con rất thích thú", chị Liên kể. Niềm vui mang tính trẻ con khi cậu bé nói được môt thứ tiếng mà bạn bè ở New Zealand không biết cũng làm cho Jayden đam mê học tiếng Việt hơn.
Jayden hát "Đi học":
Khi cô giáo tiếng Việt về nước, chị Liên tiếp tục dạy và duy trì vốn tiếng Việt cho con bằng cách kết hợp nhiều phương pháp, vừa học lý thuyết vừa thực hành, vui chơi để tạo hứng thú cho cậu bé.
"Hàng ngày tôi dạy con tập chép và tập đọc tiếng Việt theo sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 và 2, kể truyện dân gian cho con nghe. Đặc biệt, Jayden còn học bằng cách đọc truyện Doraemon. Ban đầu, con đọc truyện bằng song ngữ rồi dần chuyển sang hoàn toàn bằng tiếng Việt".
Tận dụng niềm đam mê với ca hát của Jayden, chị Liên cũng tập cho cậu bé hát các bài hát tiếng Việt, từ nhạc thiếu nhi cho đến người lớn. Cậu bé còn tự phổ nhạc cho các bài thơ trong sách giáo khoa để nhớ từ mới dễ dàng và lâu hơn.
Chị Liên cho hay phát âm sao cho chuẩn về ngữ điệu và dấu là điều khó nhất với Jayden khi học tiếng Việt nhưng may mắn, cậu bé lại không hề tỏ ra nản chí. Thách thức lớn nhất mà hai mẹ con phải đối mặt là sắp xếp thời gian học tiếng Việt bởi công việc của chị Liên khá bận, còn Jayden cũng phải đi học ở trường.
Jayden và mẹ thống nhất dành ngày chủ nhật trong tuần để nói hoàn toàn bằng tiếng Việt, nếu ai dùng tiếng Anh sẽ bị phạt. "Thế mà tôi lại bị phạt nhiều hơn con, điều đó cho thấy việc dùng tiếng Việt thường xuyên với con trong môi trường nước ngoài rất khó", chị Liên nói.
Yêu tiếng Việt như yêu quê hương
Vợ chồng chị Liên thấu hiểu rằng một yếu tố vô cùng quan trọng để con yêu tiếng mẹ đẻ đó là phải con phải được sống trên chính quê hương, được tiếp xúc với văn hóa nguồn cội và tạo ra sợi dây tình cảm giữa cậu bé với những người thân trong gia đình.
Đó là lý do mà hầu như năm nào, chị cũng đều cố gắng đưa Jayden về Việt Nam thăm bà ngoại. Cậu bé cùng mẹ đến nhiều vùng miền khác nhau ở Việt Nam để tận mắt nhìn thấy được vẻ đẹp của đất nước. Khi đó, Jayden còn phát hiện ra nhiều điều lý thú của tiếng Việt và văn hóa Việt Nam mà ngay cả người Việt vì quá thân quen cũng không nhận ra.
"Em thích giao thông với nhiều xe máy ở Việt Nam, thích các món ăn Việt. Món ăn mà em có thể ăn hàng ngày và vào bất kỳ lúc nào là món bún chả", Jayden chia sẻ. "Em cũng thích sự thân thiện của người Việt, âm nhạc và các nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam".
Jayden TJ hát "60 năm cuộc đời":
Trong thời gian lưu lại Việt Nam, dù không dài, chị Liên còn đăng ký cho Jayden đi học dự thính tại các trường trung học tại Hà Nội, trong đó có trường khiếm thị PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Đó là nơi Jayden không chỉ được thực hành tiếng Việt trực tiếp mà còn học cách đồng cảm và san sẻ với những bạn bè cùng trang lứa thiếu may mắn hơn mình.
"Hàng ngày, chúng tôi dành một khoảng thời gian nhất định để nói chuyện với con về mọi chủ đề, và vì là người Việt nên tôi vẫn hướng cho con theo những giá trị đạo đức đáng quý đó của người Việt", chị Liên chia sẻ.
Luôn có mẹ đồng hành trong cả con đường âm nhạc lẫn học tập, hiện Jayden hiện có thể nói và hát rất tự tin nhiều bài hát tiếng Việt. Trong chuyến trở về quê mẹ cuối năm ngoái, cậu bé khiến nhiều người ngưỡng mộ khi biểu diễn bằng tiếng Việt và nhiều loại nhạc cụ trong các chương trình thiện nguyện, hay tham gia các cuộc phỏng vấn của báo chí trong nước.
Theo đánh giá của chị Liên, sau gần hai năm học tiếng Việt, cậu con trai 11 tuổi hiện vẫn cần phải trau dồi thêm nhiều từ vựng, khả năng đọc hiểu, viết và chính tả. Tuy nhiên, điều làm chị lạc quan về việc dạy tiếng Việt cho Jayden đó là cậu bé rất chịu khó nói tiếng Việt và sử dụng tối đa vốn từ đã học của mình mà không sợ sai.
"Bất đồng ngôn ngữ là rào cản văn hoá nhưng khi Jayden nói được tốt hơn thì con cũng tự nhiên yêu mến quê mẹ và con người Việt Nam nhiều hơn. Con cảm nhận rõ dòng máu Việt trong mình", chị cho biết.
Anh Ngọc