Không khí Tết
Đầu tháng 12 dương lịch, nhịp làm việc và học tập ở Australia đầy hối hả. Ai cũng cố làm xong phần việc của mình để hưởng một kỳ nghỉ Giáng Sinh dài kéo qua năm mới. Sau ngày 10/1, công việc dường như trở lại guồng quay bình thường. Duy chỉ có lũ trẻ và các sinh viên đại học hay cao học còn được nghỉ hè dài, đến cuối tháng một mới khai giảng năm học mới ở trường phổ thông và cuối tháng hai, đầu tháng ba mới khai giảng trường đại học.
Năm nay Tết âm lịch rơi vào thứ sáu 31/1 nên các sinh viên và những người gốc Á như Việt Nam, Trung Quốc sẽ có hai ngày nghỉ cuối tuần để ăn Tết. Tuy nhiên, ở đất nước kangaroo, nơi mà chỉ có 4% dân số sinh ra tại Việt Nam hay Trung Quốc (chưa kể những người gốc Việt Nam, Trung Quốc sinh ra tại Australia), thật khó để thấy không khí Tết. Cô bảo mẫu Margaret, gốc Trung Quốc, quốc tịch Malaysia, đang làm việc tại Australia hỏi sinh viên chúng tôi có đón Tết âm lịch ở Australia không và than rằng “thật buồn là tôi chưa thấy không khí Tết âm lịch ở đây”.
Các lưu học sinh chúng tôi cũng có cùng tâm trạng nôn nao và nhớ một “không khí Tết”, giờ này chắc là đã rất rôm rả ở Việt Nam. Tết nằm trong tâm thức mỗi người Việt, trong nỗi nhớ quê hương và gia đình, trong tình yêu dải đất chữ S đã ngấm vào máu thịt.
Tháng một dương lịch, Australia đang ở những ngày nóng cao điểm của mùa hè. Melbourne có ngày nóng đến 43-44 độ C, khiến những vận động viên đang thi đấu trong giải quần vợt Australia mở rộng (Autralian Open 2014) ướt sũng như tắm mưa và những pha quay chậm trên tivi giúp khán giả nhìn rõ mồ hôi bắn ra như nước bạc.
Với tôi, một sinh viên miền Bắc ở đất nước bốn mùa rõ ràng và mùa đông lạnh ủ màu hồng ấm áp của hoa đào chờ xuân, thật khó để liên tưởng đến không khí Tết trong cái nắng trắng trời, trắng đất ở Australia những ngày này. Chỉ có cách đến những khu chợ Việt, hòa mình vào không khí chợ Tết thì may chăng tôi mới tìm được một chút không khí Tết của người Việt.
Chợ Tết
Ở thành phố Brisbane, bang Queensland, thành phố lớn thứ ba của Australia, có hai khu chợ Việt chính là Darra và Inala. Khu chợ Inala lớn hơn khu Darra nhiều và được xem là khu chợ chính, cũng nằm trong khu dân cư chính của người Việt Nam định cư tại bang Queensland.
Ở Australia, nhiều gia đình Việt Nam qua đây định cư hay sinh viên chúng tôi đều chọn đi chợ một tuần một lần, rồi trữ thức ăn trong tủ lạnh. Những thức ăn khác cần mua ở siêu thị thì có thể đi một, hai lần một tuần. Vì thế, đi chợ Việt ngoài việc là nghĩa vụ của chúng tôi, còn có một sự thú vị riêng, đến nơi có nhiều người Việt, nói tiếng Việt và ngắm những người đồng bào của mình trong một nhịp sinh hoạt rất Việt Nam.
Khu chợ Inala có bán các mặt hàng thực phẩm Việt Nam nói riêng và thực phẩm châu Á nói chung, nổi tiếng nhất là các loại rau xanh ngon như rau muống, rau ngót, rau cải, rau dền, rau mùng tơi, rau đay… cùng các loại rau thơm khác. Đồ khô, thịt, cá cũng rất sẵn. Có nhiều người nước ngoài gốc Á đến mua thực phẩm ở đây vì sự phong phú về chủng loại và cạnh tranh về giá cả. Trong chợ có các hàng ăn Việt Nam với hai món nổi trội là phở và bánh mỳ thịt rất được các khách hàng cả người Việt lẫn các nước khác ưa chuộng.
Hôm tôi đi chợ là ngày cuối tuần, nhằm ngày 18 âm lịch. Chợ đông vui ngay từ đầu giờ sáng. Tuy nhiên nhìn qua một lượt thì bề ngoài chợ vẫn như ngày thường, không thấy rực lên sắc đỏ và vàng hay màu hoa Tết rực rỡ. Đi đến sát các cửa hàng lớn thì mới thấy không khí chuẩn bị Tết đã len lỏi trên các kệ hàng. Nổi bật nhất trên các gian hàng là những túi quà Tết được gói trong giấy bóng kính.
Nhìn những gói quà Tết được buộc nơ rực rỡ, gắn chữ chúc mừng năm mới màu đỏ mà tôi cay cay sống mũi nhớ đến những ngày đi mua hàng Tết từ thời bao cấp ở Hà Nội. Ngày ấy, một hộp mứt giấy hồng điều là trung tâm của gói quà Tết, kèm theo một miếng bóng bì màu vàng, một gói hạt tiêu nồng cay. Thời bao cấp qua rồi, hàng hóa mua dễ dàng hơn, nhưng không năm nào là tôi không mua mứt. Nhất là mứt gừng và mứt bí. Nhâm nhi ngày Tết ở Việt Nam bằng mứt gừng cay ngọt với nước trà mạn chan chát, chẳng phải là điều thú vị sao?
Mứt Tết là thứ thực phẩm đầu tiên gợi cho ta không khí Tết ở quê nhà. Có thể mua khá nhiều loại mứt ở đây, từ mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt lạc cho đến các loại kẹo me, kẹo sầu riêng. Mứt dừa xem ra là mặt hàng được ưa chuộng khi nhiều thùng mứt được nhuộm màu hồng, xanh, vàng hay để nguyên màu trắng được bày bán rất nhiều ở các cửa hàng.
Bánh chưng cũng đã được luộc và bán rải rác đây đó. Ở nước ngoài, lá dong tươi không có nên các hàng có nhập lá dong khô về bán lại cho các gia đình muốn tự thưởng thức thú gói bánh chưng. Ngoài lá dong khô, các gói lá chuối tươi cũng được bày bán theo cân cho những gia đình tự gói bánh. Giò lụa, giò gà cũng được bày bán ở các quầy hàng.
Hoa Tết với đào hồng, mai vàng, mai trắng cũng được bày bán, nhưng chỉ là hoa giả để đem về bày chứ ở Australia không có đào, mai tươi vào tiết trời mùa hạ.
Năm nay tôi đi chợ Tết hơi sớm nên không khí Tết ở chợ chưa nhiều. Tuy nhiên, tôi thích việc len lỏi bước chân của mình đi qua những quầy hàng thơm mùi mứt, mở tai mình đón những âm thanh vui tươi của các chú, các anh đang ngồi quanh bàn cờ, vừa chơi cờ vừa nói chuyện râm ran, trên bàn la liệt những ly cà phê đá.
Đôi khi tôi dừng lại nghe một vài cô, vài chị bàn nhau xem mua gì cho ngày Tết hay đi đâu Tết âm lịch này. Những giọng nói miền Nam ấy khiến tôi như quên mất không gian mình đang ở. Đôi khi cảm thấy mình như ở đâu đó Nam bộ Việt Nam hơn là ở miền lục địa đông bắc Australia.
Hoa Tết
Chợ hoa Tết là một trong những điều các lưu học sinh xa nhà như chúng tôi nhớ về Tết ở Việt Nam. Ở một góc Tết trong tim mình, tôi nhớ góc hàng hoa chợ Bưởi, nhớ đào Nhật Tân, nhớ làng hoa Ngọc Hà. Hoa tươi ít được ghi vào danh sách mua sắm của chúng tôi. Những người có thói quen cắm hoa tươi thường xuyên ở Việt Nam, giờ ở nơi xa xứ, hoa được liệt vào danh sách những đồ xa xỉ.
Hoa ở Australia đẹp nhưng đắt. Một bó hồng bình thường ở chợ nhỏ miền Bắc có thể mua với giá dưới 20.000 đồng thì ở đây ít nhất cũng phải đắt hơn từ 10 đến 20 lần. Vì thế, chúng tôi chỉ tặng nhau hoa vào những dịp như sinh nhật, mừng nhà mới chứ không mấy sinh viên dám mua hoa về cắm hàng ngày. Có lẽ vì vậy việc thèm dạo bước chợ hoa Tết lại càng quay quắt.
Australia cũng có hoa mai và hoa đào. Hoa đào tại Queensland nở hồng những bụi cây xanh vào tháng 7, tháng 8, những tháng cuối cùng của mùa đông, trước khi bước qua mùa xuân. Hoa mai trắng, hoa đào hồng, giữa cái lạnh trong veo ở nước Australia làm tôi cứ bị nhầm lẫn khái niệm về mùa, về thời gian, chỉ rõ ràng về nỗi nhớ.
Hoa đào phai và đào thắm được trồng ở vườn các gia đình, hay công viên chung của cộng đồng. Cành đào đầu tiên tôi có được khi đi chợ Việt là khi thấy hoa nở bung trong bãi đỗ xe của một cửa hàng. Anh chủ hàng cắt cho tôi mang về cắm. Hoa đào như Tết ấm áp trong ngôi nhà trọ sinh viên nhưng cũng gợi nỗi buồn vì Tết còn xa lắm. Phải đợi hết đông, sang xuân, qua hè thì Tết âm lịch mới đến ở Australia. Nếu hoa đào là Tết thì chúng tôi đã đón Tết ở Australia sớm hơn cả nửa năm. Vì thế khi Tết sang, không có dáng mai hay đào ở ngoài sân để ngắm.
Bù lại đào và mai có thể tìm trong chợ Tết. Những chùm hoa giả làm khéo có thể làm bớt đi nỗi nhớ nhà. Chỉ có điều những bông hoa mùa xuân ấy chẳng có hương. Luộc một nồi bánh chưng trong nhà, với mùi thơm lá xanh và gạo nếp trắng có thể làm Tết đến thật hơn.
Bánh chưng Tết
Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là lá dong khô và lá chuối tươi lại được bán ở hàng thực phẩm châu Á, ở khu chợ Việt. Queensland là đất trồng chuối nên lá chuối rất sẵn. Ở xứ xở kangaroo này thì chuối là thứ trái cây được tiêu thụ nhiều thứ ba sau cam và táo. Tuy vậy giá bán lá chuối khá cao, chừng hơn 100 nghìn đồng Việt Nam một cân lá chuối. Tự gói bánh chưng ngoài việc làm như một thú vui và giữ gìn truyền thống Tết, còn tiết kiệm được chi phí so với mua bánh chưng ở chợ được bán với giá khá cao, chừng 400 nghìn đồng một chiếc, do công lao động ở Australia rất đắt.
Một số gia đình Việt kiều có thói quen gói bánh. Họ muốn các con được hưởng không khí Tết dù ở xa quê. Tôi quen một gia đình anh chị người miền Bắc đã chọn định cư ở Australia nhưng năm nào cũng mời bạn bè đến gói bánh chưng. Gia đình nào có ông bà sang chơi dịp Tết, lũ trẻ sẽ được hưởng thú vui gói bánh tại nhà dễ dàng hơn.
Năm đầu tôi qua Australia, nhà bạn Lệ, người Huế, có bà qua chơi rồi gói bánh tét cho cả nhà và bánh chưng nhí cho lũ trẻ. Tết xa quê đỡ tủi thân hơn khi có tiếng cười trẻ con, tiếng nói người già, mùi đỗ đồ, mùi hạt tiêu và mùi bánh chưng luộc. Năm mẹ tôi ở Australia, tôi được cùng mẹ chuẩn bị cúng ngày ông Táo về Trời. Cũng thịt luộc, xôi đỗ, chén nước, chén muối, chén gạo. Mùi nhang vấn vít trong nhà. Đồ cúng bày ngay trong bếp vì nhà đâu có bàn thờ. Cứ nhằm chỗ nào ông Táo ở là cúng được rồi. Lúc cùng hàng xóm gói bánh chưng ngay bếp nhà mình, tôi cứ ngỡ quay về những ngày Tết mình còn thơ bé.
Các nhóm sinh viên cũng tụ tập nhau lại gói bánh, rồi mỗi bạn toòng teng xách bánh sống về tự luộc ở bếp gas hay bếp điện nhà mình. Có bạn thức cả đêm trông nồi bánh. Bánh luộc từ 6 đến 8 tiếng mới chín. Hương bánh, hương Tết ủ trong những ngôi nhà Việt Nam, giữ một cái Tết Việt.
Ăn Tết
Đừng nghĩ đi học ở Australia là các bạn sinh viên Việt Nam hay Việt kiều biến thành người “tây” và ăn đồ “tây”. Ngoài một số món Âu mới biết nấu thì cẩm nang món Việt vẫn là thứ nằm lòng. Cỗ Tết ở xứ người với sinh viên miền Bắc vẫn là những món truyền thống như nem rán, canh măng móng giò, xôi đỗ, món xào thập cẩm, gà luộc, giò lụa và bánh chưng. Chúng tôi đã có một tiệc buffet các món Tết ba miền, được thưởng thức thêm các món Tết và món ăn ngon của các bạn miền Trung và miền Nam. Các bạn miền Nam mang đến buffet thịt kho hột vịt và canh khổ qua nhồi thịt. Món nộm xoài và tôm khô cũng là một món ngon và đẹp mắt. Các bạn miền Trung mang đến bánh Tét, nem lụi, bánh bột lọc.
Tại đại học Queensland, các bạn sinh viên còn có sáng kiến hàng năm cùng nhau gặp mặt ngày Tết. Trong buổi gặp mặt này, các nhóm mang đến những món ăn Việt Nam khác nhau. Được ăn những món ăn Việt và chia sẻ về chuyện quê nhà, chuyện học hành, tương lai gia đình, con cái, và những ngày được ăn Tết trên đất Việt đúng là những phút giây thảnh thơi.
Chơi Tết
Cộng đồng người Việt ở Brisbane hàng năm đều có hội chợ Tết. Chợ họp trên nền một sân rộng đủ dựng rạp cho trăm gian hàng nhỏ. Hầu hết là bán đồ ăn Việt Nam. Khu vui chơi cho trẻ con và người lớn thì có đu quay, nhà hơi, những trò vui chơi có thưởng. Sân khấu trung tâm có ca nhạc mà người biểu diễn là những người yêu ca hát từ trẻ đến già. Một giàn âm thanh đơn giản, vài cái micro là đủ cho ca sĩ trổ tài. Phải rất yêu thích tiếng mẹ đẻ và được sự hỗ trợ của gia đình, những em nhỏ gốc Việt hay những chàng trai cô gái trẻ sinh ra và lớn lên ở Australia mới giữ được thói quen nói tiếng Việt và hát bằng tiếng Việt.
Những ngày Tết, ở khu phố người Hoa sầm uất và gần trung tâm hơn cũng có nhiều hoạt động. Tuy nhiên với tôi, tôi thích đến khu hội chợ người Việt, đứng xem lũ trẻ xúng xính áo váy trong cánh gà chờ đợi đến lượt biểu diễn. Tôi cũng thích nếm những món ăn Việt Nam và thích đứng lặng đi giữa chợ, nghe xôn xao tiếng Việt đẫm quanh mình.
Dịp Tết cũng là dịp những chuyến bay đi về giữa Australia và Việt Nam thật nhộn nhịp. Nhiều sinh viên tranh thủ nghỉ dài bay về nhà vài tuần ăn Tết. Các gia đình định cư tại Australia cũng tranh thủ về Việt Nam chơi Tết. Chả thế mà đi chợ Tết, mọi người vẫn hỏi nhau “Năm nay ông/bà có đi Việt Nam không?”. Lần đầu nghe câu hỏi đó, tôi cứ thấy lạ lẫm. Tại sao lại “đi Việt Nam”, phải là “về Việt Nam” chứ, như là ta nói “về quê”, “về nhà” vậy?
“Năm nay chị có đi Việt Nam không?” cô gái bán hàng vừa tính tiền vừa hỏi tôi.
“Tết năm nay chị ở lại ăn Tết tại Australia, chắc vài tháng nữa mới về Việt Nam em ạ. Nhà em năm nay có ăn Tết ở Việt Nam không?”, tôi hỏi.
“Năm nay nhà em cánh phụ nữ và trẻ con thì ăn Tết ở Việt Nam, còn cánh đàn ông ở lại Australia. Anh trai em đang tính mua lá chuối năm nay tự gói bánh chưng”, Cô gái cười dịu dàng trả lời.
Tết đến từ những điều giản đơn như vậy.
Bùi Thu Thủy