Diêu Văn Nguyên trong phiên toà xét xử năm 1980. (Ảnh: Xinhua) |
Diêu Văn Nguyên cùng 3 thành viên khác trong nhóm là Giang Thanh, Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn vươn lên nắm quyền lực và khuynh đảo Trung Quốc trong thời Cách mạng văn hoá 1966-1976. "Bè lũ bốn tên" đã gây ra nhiều tổn thất cho quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Diêu Văn Nguyên đóng vai trò then chốt trong Cách mạng văn hoá, một thập kỷ đầy biến động kéo lùi sự phát triển của Trung Quốc. Xuất thân là một nhà báo tại Thượng Hải, sự nghiệp chính trị của Diêu Văn Nguyên lên như diều gặp gió sau khi ông ta liên kết với phu nhân của Mao Trạch Đông là Giang Thanh cùng Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều.
Báo chí Trung Quốc từng mệnh danh Diêu Văn Nguyên là "tên sát thủ bằng cây bút", do ông ta viết một bài báo nổi tiếng báo hiệu sự bắt đầu của cuộc Cách mạng văn hoá năm 1966. Hàng trăm nghìn người đã bị đày ải hoặc dồn đến con đường tự sát, sau khi chịu sự hành hạ về thể xác và tinh thần của các Hồng vệ binh, công cụ đắc lực của "bè lũ bốn tên".
Sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, tất cả "bè lũ bốn tên" đều bị bắt và kết án tù nặng. Giang Thanh và Trương Xuân Kiều lĩnh án tù chung thân. Còn Diêu Văn Nguyên chịu án 20 năm tù và được thả năm 1996. Sau đó ông ta sống lặng lẽ những năm tháng cuối đời tại Bắc Kinh.
Trong các thành viên khác, Giang Thanh chết vào năm 1991, sau đó một năm đến lượt Vương Hồng Văn. Còn Trương Xuân Kiều chết tháng 5/2005 do mắc bệnh ung thư.
Đình Chính (theo BBC, AFP)