- Ông đánh giá thế nào về hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông?
- Hành động của Trung Quốc vi phạm một loạt thỏa thuận quốc tế và song phương mà nước này đã ký. Chúng tôi không ủng hộ hành động này và cho rằng mọi xung đột, đặc biệt có liên quan đến lịch sử, cần phải được giải quyết trên cơ sở đàm phán, không phải bằng vũ lực. Cá nhân tôi cho rằng đảm bảo an ninh năng lượng của từng quốc gia là quan trọng, song không vì thế mà xung đột với quốc gia khác, gây căng thẳng và xa hơn nữa là khiến người dân phải chịu thiệt hại.
- Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
- Như tôi đã nói ở trên, hành động của Trung Quốc vi phạm nhiều thỏa thuận quốc tế và song phương, được ghi nhận bằng văn bản và thỏa thuận miệng. Chúng tôi mong muốn các bên liên quan sớm tìm được một giải pháp chính thức nào đó để phân chia rõ ràng chủ quyền của từng nước ở Biển Đông. Đáng tiếc là tình hình hiện nay có vẻ đi theo một chiều hướng khác.
Tôi muốn lưu ý rằng, quốc gia nào toan tính sử dụng vũ lực, phải ý thức được một hành động đáp trả tương xứng, nếu không trực diện thì cũng ở một phương diện khác. Hành động hiện nay của Trung Quốc chỉ làm tình hình căng thẳng hơn mà không đưa đến một giải pháp nào.
- Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần làm gì?
- Xuất phát từ thực tiễn và khả năng của các bên liên quan, thì có một số phương án có thể xảy ra. Nếu căng thẳng bị đẩy lên cao, lãnh đạo các bên liên quan sẽ phải thể hiện ý chí chính trị để chấm dứt leo thang xung đột. Tuy nhiên đây chỉ là vấn đề lý thuyết, vì không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể làm được như vậy. Do đó, khi tình hình còn có thể kiểm soát thì tất cả các cấp chính quyền của Việt Nam cần phối hợp với người dân tìm ra giải pháp.
Việc vi phạm thỏa thuận ở đây cho thấy quy định pháp luật chưa thực sự chặt chẽ. Như vậy, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Trung Quốc có thể ngồi lại với nhau để xem xét vấn đề này.
Nhóm nghị sĩ hữu nghị chúng tôi nói riêng và Duma Quốc gia nói chung sẵn sàng tư vấn cho các bên nếu được yêu cầu. Nga và Việt Nam có truyền thống hữu nghị lâu đời và gắn kết với nhau tương đối chặt chẽ, vì vậy trước tình hình hiện nay, chúng tôi hết sức lo ngại. Theo tôi, chúng ta cần sử dụng tất cả các kênh có thể để tác động tích cực lên tình hình.
- Theo ông, Nga có vai trò như thế nào trong cuộc khủng hoảng hiện nay?
- Nga và Việt Nam có quan hệ hữu nghị lâu đời và truyền thống tương thân tương ái. Song hiện nay, Nga đang rơi vào tình thế khó khăn, bởi việc lên tiếng thiên về bên nào cũng khiến bên còn lại không hài lòng và đẩy xung đột lên cao. Chúng tôi cho rằng lối thoát cho vấn đề đó là các bên ngồi vào bàn đàm phán và Nga sẽ tham gia với vai trò quan sát viên hoặc trung gian đối thoại. Tôi sẵn sàng thực hiện sứ mệnh này để giúp các bên tìm được tiếng nói chung.
- Trong mỗi thời kỳ khó khăn của lịch sử, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ kịp thời và to lớn của nhân dân Nga, vậy truyền thống này có được tiếp tục?
- Tất nhiên là Nga luôn có hình thức giúp đỡ Việt Nam. Sự giúp đỡ của chúng tôi không trực tiếp mà thể hiện ở nỗ lực ngăn chặn không để xảy ra xung đột quân sự. Tôi nghĩ rằng không chỉ Nga mà tất cả các nước đều không thể khoanh tay đứng nhìn nếu lợi ích hợp pháp của một nước nào đó bị xâm phạm, nếu mạng sống của người dân bị đe dọa.
Chúng tôi rất mừng vì trong những năm gần đây, Nga đã bắt đầu tăng bán vũ khí cho Việt Nam. Các hình thức hợp tác giữa hai nước cũng được tăng cường và mới đây đã nâng lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Trong hợp tác kỹ thuật - quân sự, việc Nga bàn giao hai chiếc tàu ngầm mới cho Việt Nam đã nói lên rằng chúng tôi mong muốn giúp Việt Nam củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia.
Ngoài ra, chúng tôi còn tích cực hợp tác trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, năng lượng, với nhiều hình thức tiếp xúc giữa cơ quan lập pháp, hành pháp... Điều này cho thấy Nga đang gián tiếp giúp Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh ở khu vực.
- Nếu vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) thuộc khu vực mà Việt Nam và Liên bang Nga đang có hoạt động hợp tác khai thác thì phản ứng của Nga sẽ thế nào?
- Tôi cho rằng nhiệm vụ trước hết của chúng ta là không để xung đột tiếp tục leo thang. Chúng ta không thể ngồi nhìn Trung Quốc đưa hết giàn khoan này đến giàn khoan khác, tàu chiến này đến tàu chiến khác ra biển. Những người làm truyền thông cần lên tiếng tạo dư luận mạnh mẽ, buộc những người cầm quyền ngồi vào bàn đàm phán. Là những nhà lập pháp, chúng tôi cần phối hợp chặt chẽ với các nước liên quan nhằm đưa ra quy định, chế tài chặt chẽ, để không ai thắc mắc đây là lãnh thổ của quốc gia này hay quốc gia khác.
Tôi không nghĩ rằng tình hình sẽ phát triển theo hướng mà anh đưa ra. Tôi hy vọng lãnh đạo tất cả các bên liên quan ngồi lại với nhau và ký một văn bản nào đó có giá trị cao về pháp lý đối với vấn đề Biển Đông.
Theo Vietnam+