Nếu Formosa đứng sau vụ hàng tấn cá chết trôi dạt lên bờ biển miền Trung Việt Nam cách đây hai tháng, họ có thể huỷ hoại chính sách then chốt của lãnh đạo Thái Anh Văn trong việc thúc đẩy đầu tư ở Đông Nam Á nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế của Đài Loan vào Trung Quốc, AFP dẫn lời các nhà lập pháp nói hôm 16/6.
"Rắc rối sẽ không chấm dứt" đối với chính sách Hướng Nam nếu chính quyền mới của bà Thái không giải quyết cẩn thận mối quan ngại đang lan rộng trong công chúng Việt Nam về vụ việc, Su Chih-feng, nghị sĩ đảng Dân Tiến cầm quyền, nói.
Giới chức Đài Loan cần vào cuộc và đảm bảo công ty đáp ứng "các tiêu chuẩn lao động, nhân quyền và môi trường quốc tế", Chang Yu-yin, chủ tịch Hội Luật gia Môi trường, nói.
Hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt bắt đầu từ ngày 6/4 tại khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra Quảng Bình ngày 10/4, Thừa Thiên Huế (15/4), Quảng Trị (16/4) và kéo dài đến 4/5.
Bộ trưởng Thông tin Trương Minh Tuấn đầu tháng này cho biết các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết nhưng chưa thể công bố, bởi việc xác định thủ phạm gây cá chết không chỉ cần cơ sở khoa học mà còn phải điều tra bằng chứng vi phạm pháp luật. Theo ông Tuấn, chính phủ dự kiến công bố nguyên nhân trong tháng này.
Formosa từng thổi bùng nghi ngờ vào tháng 4, khi một nhân viên của công ty này nói người dân Việt Nam phải chọn giữa việc "bắt cá tôm và xây nhà máy thép hiện đại". Nhân viên này sau đó bị sa thải và đã xin lỗi về phát biểu.
Trọng Giáp