"Chúng tôi sẽ tìm ra cách không chỉ giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Mỹ xuống mức 0 mà còn trỗi dậy từ lệnh trừng phạt, thu lại lợi ích cho quốc gia", BBC dẫn lời Sergei Glazyev, cố vấn kinh tế điện Kremlin, nói.
Glazyev cho rằng Moscow có thể dừng việc sử dụng đồng USD, chuyển sang dùng các đồng ngoại tệ khác trong giao dịch thương mại quốc tế để bớt phụ thuộc vào Washington. Đồng thời, ông còn cảnh báo hệ thống tài chính Mỹ phải đối mặt "với nguy cơ sụp đổ" nếu điều này thực sự xảy ra.
"Trong trường hợp lệnh trừng phạt áp dụng đối với các tổ chức chính phủ, chúng tôi buộc phải tuyên bố rằng việc hoàn lại những khoản nợ mà ngân hàng Mỹ cung cấp cho Nga là không thể xảy ra", Voice of Russia dẫn lời Glazyev cho biết thêm.
"Các biện pháp trừng phạt là con dao hai lưỡi. Nếu Mỹ chọn cách phong tỏa tài sản của Nga thì thị trường cổ phiếu cùng những khoản nợ bằng đồng USD của Moscow cũng sẽ bị đóng băng. Điều này có nghĩa là ngân hàng cũng như các doanh nghiệp Nga không thể trả nợ cho đối tác Mỹ".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày bác bỏ sự đe dọa trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong vấn đề Ukraine, cho rằng chúng sẽ mang lại kết quả trái ngược với sự mong đợi của những quốc gia này.
Phương Tây nên luôn ghi nhớ rằng họ cũng sẽ chịu tổn thất từ chính những lệnh trừng phạt, AP dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua ở ngoại ô Moscow. Ông gọi các biện pháp trừng phạt là "phản tác dụng và không có lợi".
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nhắc lại rằng Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ có những biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Moscow không rút quân khỏi Ukraine.
"Cấm cấp thị thực, đóng băng tài sản, cô lập các lĩnh vực thương mại, đầu tư", ông Lew phát biểu trong trương trình "Face The Nation" của CBS. "Các doanh nghiệp Mỹ nên suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi muốn hợp tác với một quốc gia có thái độ như vậy".
Các Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) hôm 3/3 dọa cấm các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Nga đi lại giữa 28 quốc gia trong khối, đóng băng mọi tài sản của họ ở EU. Theo AP, đây là những quyết định dễ thực hiện nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của EU bởi các nhà đầu tư Nga đang nắm giữ khối tài sản trị giá hàng tỷ USD tại các ngân hàng châu Âu chứ không chỉ ở Anh và Cyprus.
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tổ chức phiên họp khẩn vào ngày mai để bàn về các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Trong bài phát biểu tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm thứ hai, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố "Nga đang mắc sai lầm lịch sử" trong vấn đề Ukraine. Trước đó, trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1/3, ông Obama cảnh báo Mỹ sẽ có hành động "trừng phạt về chính trị và kinh tế" đối với Nga nếu quốc gia này can thiệp quân sự vào Ukraine.
Nguyễn Tâm