Cải tạo mở rộng bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa là một trong số những dự án mà Trung Quốc đang theo đuổi, trước tiên là để có thể xây dựng một đường băng, AFP dẫn lời trung tá Jeffrey Pool, người phát ngôn quân đội Mỹ, cho biết.
"Có vẻ như đó chính là việc họ đang hướng tới", Pool nói. Một bến cảng cũng đã được thiết lập ở phía đông bãi đá. Nó đủ lớn để đón các tàu tiếp tế và tàu chiến hải quân.
Mỹ muốn Trung Quốc ngừng ngay dự án này. "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc dừng chương trình cải tạo đất và tham gia vào những sáng kiến ngoại giao để thúc đẩy tất cả các bên kiềm chế trong loại hoạt động này", Pool nói.
Theo bài báo trên tạp chí IHS Jane's, trong vòng ba tháng qua, Trung Quốc đã sử dụng các tàu hút bùn để xây dựng một hòn đảo dài khoảng 3.000 m và rộng từ 200 đến 300 m trên bãi đá Chữ Thập, trước đó vốn là một bãi đá ngầm. Kết quả của việc hút bùn thấy rõ trong những hình ảnh vệ tinh chụp trong thời gian giữa 8/8 tới 14/11 mà tạp chí này nhận được.
"Hoạt động cải tạo đất trên đá Chữ Thập là dự án thứ tư mà Trung Quốc thực hiện ở quần đảo Trường Sa trong vòng từ 12 đến 18 tháng qua và có quy mô lớn nhất cho đến nay", bài báo cho biết. Trước lần hút bùn gần nhất, hải quân Trung Quốc sử dụng một mặt sàn bê tông và chưa có đảo nhân tạo nào xuất hiện.
Trung Quốc còn xây dựng trái phép các đảo tại bãi đá Gạc Ma, bãi Châu Viên và bãi Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. IHS Jane's cho rằng động thái của Bắc Kinh là để các quốc gia khác từ bỏ tuyên bố của mình hoặc giúp Trung Quốc có vị trí thuận lợi hơn trong những cuộc đàm phán liên quan.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam. Malaysia, Philippines, Brunei. Bắc Kinh còn điều tàu tuần tra tại khu vực tranh chấp với Manila và hồi tháng 5 triển khai trái phép giàn khoan nước sâu vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc cùng các nước liên quan giải quyết bất đồng về lãnh thổ một cách hòa bình, không ép buộc, đồng thời đề nghị Bắc Kinh ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử hàng hải đa phương trong khu vực để giảm đối đầu trên biển. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại muốn đàm phán song phương với các quốc gia láng giềng, vốn nhỏ hơn và phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc.
Như Tâm