Trung Quốc "đang bơm cát lên các rạn san hô, một số ngập nước, và lát bê tông. Trung Quốc đã tạo ra một khu vực nhân tạo rộng hơn 4 km2", RT dẫn lời Đô đốc Harry Harris Jr., Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, hôm qua phát biểu tại hội nghị hải quân ở Australia.
"Điều thực sự gây nhiều lo ngại ngay trước mắt là hoạt động cải tạo đất chưa từng có mà Bắc Kinh đang làm", Đô đốc Harris nói. Theo ông, khu vực này là nơi có các đá tự nhiên đẹp nhưng "Trung Quốc lại sử dụng máy xúc, máy ủi trong nhiều tháng để tạo ra một vạn lý trường thành bằng cát".
Mối lo chính của quân đội Mỹ cùng các nước khác trong khu vực là về mục đích sử dụng bởi chúng có thể được dùng xây dựng cơ sở quân sự, củng cố tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
"Cách thức Trung Quốc theo đuổi sẽ là dấu hiệu chính cho thấy nơi này đang hướng tới đối đầu hay hợp tác", Đô đốc Harris nói.
Mỹ kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN ký năm 2002, cam kết "kiềm chế trong việc tiến hành hoạt động có thể làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".
Washington đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực. Đô đốc Harris cho biết, theo chiến lược xoay trục về châu Á, có 60% hạm đội Mỹ được triển khai ở Thái Bình Dương cho đến 2020.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn với một số quốc gia ASEAN gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei. Bắc Kinh cho rằng tuyên bố của họ có căn cứ lịch sử và Mỹ không nên can thiệp.
Việt Nam nhiều lần phản đối việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm DOC.
Như Tâm