Trong báo cáo thường niên trình quốc hội, Bộ Quốc phòng Mỹ đề cập đến tốc độ phát triển quân đội nhanh của Trung Quốc và cách Bắc Kinh đang củng cố những tuyên bố chủ quyền ở hai khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ví dụ, trong năm 2015, Trung Quốc điều tàu hải cảnh và tàu hải quân ra Biển Đông để duy trì sự hiện diện "gần như liên tục" tại đây. Trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh điều phi cơ và tàu tuần tra sát quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
"Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật cưỡng chế... nhằm thúc đẩy những lợi ích của họ có tính toán dưới ngưỡng tạo ra xung đột", AFP dẫn thông báo cho biết.
Khi được đề nghị mô tả chiến thuật cưỡng chế của Trung Quốc, Abraham Denmark, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á, trả lời tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc đôi khi hành động theo cách "không chuyên nghiệp".
Họ hành động như vậy "khi ở gần lực lượng quân đội hoặc tàu cá quốc gia khác nhằm thiết lập mức độ kiểm soát nhất định với những thực thể có tranh chấp", Denmark nói với báo giới. "Những hành động này nằm dưới ngưỡng xung đột nhưng dần dần chứng minh và khẳng định tuyên bố chủ quyền".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam. Những năm gần đây, Trung Quốc bị cáo buộc ngày càng quyết đoán trong cách hành xử ở Biển Đông. Nước này đã bồi lấp trái phép đảo nhân tạo, xây đường băng, trạm radar, hải đăng phi pháp ở Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Như Tâm