Các máy bay chiến đấu Trung Quốc được điều đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa hôm 7/4, tờ Stars and Stripes dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên.
Người này cho biết, việc Trung Quốc triển khai số lượng lớn máy bay chiến đấu J-11 ra Phú Lâm lần này là "chưa từng có tiền lệ". Tháng 11/2015, Trung Quốc từng điều loại máy bay chiến đấu này tới đảo Phú Lâm, còn lần gần nhất là tháng hai, nhưng với số lượng ít.
Quan chức trên cho rằng hành động này của Trung Quốc đi ngược lại với cam kết "không quân sự hóa Biển Đông" mà ông Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Mỹ năm ngoái.
Giới chức Mỹ cho biết, những hành động như triển khai máy bay chiến đấu, đẩy mạnh xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đang làm căng thẳng tình hình Biển Đông. Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động quân sự hóa Biển Đông.
Trong khi đó, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống radar kiểm soát hỏa lực ở Phú Lâm, phục vụ cho việc khai hỏa tên lửa phòng không HQ-9 mà nước này đặt tại đây hồi tháng hai. Nhiều tên lửa đã được đưa vào vị trí sẵn sàng khai hỏa ở phía đông của đảo.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đang có chuyến thăm tới Philippines. Ông Carter sẽ tới các căn cứ quân sự mà Mỹ cho là có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các hành động thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông. Những căn cứ này của Mỹ nằm cách các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 160 km.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 và thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi pháp trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012. Báo chí Trung Quốc cho rằng có khoảng 1.000 người đang cư ngụ trên đảo, và cứ 4 người trên đảo thì có ba người là binh lính.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. "Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam đều bất hợp pháp", Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố.
Văn Việt