Hội nghị giữa USMC và các quan chức quân sự đến từ 23 quốc gia đã khai mạc tại Hawaii hôm 11/5. Hơn một nửa số khách mời tham dự là nước châu Á, trong đó có một số quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam. Đây là lần đầu tiên hội nghị kiểu này được tổ chức.
Nội dung bàn bạc của chương trình xoay quanh chiến thuật tấn công đổ bộ, gồm cả tấn công từ tàu lên bờ. Sự kiện cũng có hoạt động thao diễn chiến thuật, phát ngôn viên của USMC cho biết.
Theo Reuters, tài liệu do một cố vấn soạn thảo để chuẩn bị cho hội nghị viết rằng "không nên mời" Trung Quốc do nước là này "đối thủ cạnh tranh" của Mỹ và một số nước tham dự.
Khi được hỏi về việc không mời Trung Quốc, phát ngôn viên USMC cho biết luật pháp Mỹ cấm trao đổi quân sự với Trung Quốc tại các sự kiện như vậy. Các quan chức quốc phòng Mỹ nói thêm rằng việc không mời nhân viên quân sự Trung Quốc tham gia hoạt động huấn luyện của Mỹ không phải là điều bất thường.
Trung Quốc năm ngoái tham gia cuộc tập trận hải quân do Mỹ dẫn đầu, Vành đai Thái bình Dương (RIMPAC) với hơn 20 quốc gia, nhưng một quan chức cho biết Bắc Kinh chỉ tham gia các hoạt động diễn tập cứu trợ nhân đạo và tìm kiếm, cứu nạn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói rằng bất cứ nước nào cũng có quyền lựa chọn khách mời đến một cuộc họp hoặc sự kiện, miễn là việc này có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
"Quân đội Trung Quốc và Mỹ vẫn có trao đổi và hợp tác thông thường ở các cấp độ khác nhau", bà Hoa nói.
Washington ngày càng gia tăng chỉ trích sự hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là việc bồi đắp và cải tạo tại khoảng 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng ít nhất một đường băng tại khu vực. Một quan chức Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang cân nhắc việc điều máy bay quân sự và tàu tuần tra để khẳng định tự do hàng hải xung quanh các bãi đá.
Phương Vũ