Trong ngày đầu tiên đến Singapore, ông Biden kêu gọi các bên từ bỏ những lời đe dọa hiếu chiến ở Biển Đông, biển Hoa Đông, và "nhanh chóng" đồng thuận về các quy tắc để ngăn chặn xung đột.
"Chúng tôi đều bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông", Biden nói sau khi gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. "Mỹ kêu gọi tất cả các bên từ bỏ sự cưỡng ép, hăm dọa và đe dọa sử dụng vũ lực", ông Biden cho biết và hối thúc các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc nhanh chóng đạt thỏa thuận về quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ngoài các cuộc họp với lãnh đạo Singapore, ông Biden cũng đã thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người cũng đến thăm Singapore, trong chuyến công du Đông Nam Á. Phó tổng thống Mỹ cho biết hai lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng liên minh Mỹ - Nhật đóng vai trò trung tâm trong hòa bình và ổn định khu vực. "Phó tổng thống tái khẳng định lập trường của Mỹ đối với biển Hoa Đông, trong đó có những cam kết với đồng minh của chúng tôi", phía Mỹ tuyên bố sau cuộc gặp. Ông Biden cũng nhấn mạnh quan điểm của Mỹ rằng tất cả các bên nên có những bước tiến để giảm căng thẳng.
Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với các nước Đông Nam Á trên Biển Đông và với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Nhóm 10 nước ASEAN đã hối thúc Trung Quốc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh xung đột trên biển, nhưng Bắc Kinh tuyên bố muốn giải quyết riêng với từng quốc gia tuyên bố chủ quyền.
Washington luôn khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp, nhưng lại có lợi ích trong tự do hàng hải trên vùng biển vốn có nhiều tuyến hàng hải quan trọng này.
Ông Biden ngày mai sẽ tham quan một cơ sở của công ty vũ trụ Mỹ, Pratt & Whitney, và tham quan tàu chiến ven biển USS Freedom của Mỹ. Con tàu này được triển khai tới Singapore và khu vực xung quanh trong vòng 8 tháng tới để thể hiện sự "xoay trục" chiến lược của Washington tới châu Á. Sau đó, ông sẽ rời quốc đảo tới để Hawaii cũng trong ngày mai.
Trọng Giáp