![gian-khoan-5333-1405127453.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/07/12/gian-khoan-5333-1405127453.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yPaBluSHZMzkv09PDgg0Cw)
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa hôm 7/5. Ảnh: AP
"Chúng tôi vừa kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền làm rõ và nhất trí dừng một số hành động, hoạt động nhất định làm leo thang tranh chấp và gây bất ổn, như đã nêu trong DOC", Reuters dẫn lời ông Michael Fuchs, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chiến lược và đa phương, đề cập đến Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông.
Trong hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức ở Washington, ông Fuchs tái khẳng định lập trường của Mỹ, rằng hành vi "khiêu khích và đơn phương" của Trung Quốc làm dấy lên nghi ngờ về sự sẵn sàng tuân thủ luật quốc tế của nước này.
Washington muốn Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước và Trung Quốc có "cuộc thảo luận thực chất" để thực thi lời kêu gọi tự kiềm chế như trong văn bản DOC năm 2002, hướng tới ký kết một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), ông Fuchs nói.
Ông Fuchs cho rằng các nước tuyên bố chủ quyền có toàn quyền quyết định yếu tố nào sẽ bị "đóng băng", tuy nhiên điều này có thể bao gồm việc không thiết lập cơ sở mới, không chiếm vùng lãnh thổ bên tuyên bố chủ quyền khác đã chiếm giữ trước tuyên bố năm 2002. Các bên cũng có thể làm rõ loại hành động nào là khiêu khích và hành động nào là nỗ lực duy trì sự hiện diện từ lâu, trước năm 2002, phó trợ lý nói thêm.
Việc duy trì hiện trạng sẽ giúp giảm căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tiến trình đàm phán tiến đến COC, ông Fuchs nói.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ hôm 10/7 bỏ phiếu đồng thuận thông qua một nghị quyết nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ với quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển, vùng trời ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết các yêu sách và tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp ngoại giao hòa bình.
Một trong những nội dung của bản nghị quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng hàng hải liên quan khỏi vị trí hiện nay, kiềm chế những hoạt động hàng hải trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển và trở về nguyên trạng như trước ngày 1/5. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua ra thông cáo hoan nghênh động thái này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90% Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí và nguồn thủy hải sản dồi dào. Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền ở khu vực này. Philippines hồi tháng 6 kêu gọi tất cả các nước liên quan dừng những hoạt động xây dựng có thể làm gia tăng căng thẳng.
Trọng Giáp