Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc ở cảng Đại Liên. Ảnh: BBC. |
"Chúng tôi hoan nghênh bất cứ lời giải thích nào của Trung Quốc về việc cần có loại khí tài này", AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết hôm qua. "Đây là một phần trong mối quan ngại lớn hơn rằng Trung Quốc không minh bạch như các nước khác. Họ không minh bạch như Mỹ về những vụ mua bán hay ngân quỹ dành cho quân đội".
"Chúng tôi muốn có một mối quan hệ cởi mở, minh bạch về quân sự giữa hai nước", Nuland nói thêm. "Trong quan hệ với nhiều nước khác trên thế giới, chúng tôi luôn thực hiện các cuộc đối thoại, tại đó, chúng tôi nói rõ về các loại vũ khí đang sở hữu và mục tiêu của chúng".
Tuy nhiên, Trung Quốc và Mỹ "chưa đạt đến mức độ minh bạch này" như cả hai nước mong đợi, Nuland cho biết thêm.
Bình luận này được đưa ra sau khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc thực hiện chuyến hành trình đầu tiên trên biển. Động thái này càng khiến nhiều bên lo ngại về sự phát triển nhanh chóng về quân sự của Trung Quốc cũng như thái độ ngày càng quyết liệt của họ về vấn đề chủ quyền biển đảo. Bắc Kinh chỉ thừa nhận sự hiện diện của con tàu này hồi tháng sáu và khẳng định nó chỉ phục vụ mục đích huấn luyện và "nghiên cứu".
Con tàu này có nguyên bản là tàu Varyag, được Liên Xô khởi công đóng tại Ukraina năm 1985. Khi hoàn thành được 70% với phần khung sườn hoàn chỉnh nhưng chưa gắn động cơ và các thiết bị khác thì Liên Xô sụp đổ. Do đó tàu Varyag được chuyển giao cho Ukraina sở hữu.
Nhưng do không có kinh phí hoàn thiện, năm 1998 Ukraina bán thanh lý vỏ tàu Varyag và một khách hàng Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc đấu giá. Sau đó vỏ tàu được kéo về cảng Đại Liên của Trung Quốc và thay vì biến thành một khách sạn nổi, nó được hoàn thiện thành chiếc tàu sân bay như thiết kế ban đầu.
Trên thực tế, tàu sân bay này là tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay, không thể so sánh với các tàu sân bay truyền thống của hải quân Mỹ, Anh hay Pháp hiện nay. Tàu sân bay của Mỹ có trọng tải trên 100.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi tàu của Trung Quốc có thiết kế 67.500 tấn chạy bằng năng lượng thường.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua cho biết cuộc chạy thử sẽ diễn ra chóng vánh. Tàu sẽ sớm trở lại cảng Đại Liên để tiếp tục cải tạo và thử nghiệm. Andrei Chang, đứng đầu trung tâm thông tin Kanwar, giám sát các hoạt động của quân đội Trung Quốc, nhận định cuộc thử này có lẽ để xem động cơ có hoạt động hay không và rằng Bắc Kinh thỉnh thoảng sẽ cho chạy thử tàu trong 1-2 năm tới.
Quân đội giải phóng Trung Quốc (PLA) vốn rất bí mật về chương trình phòng thủ của họ, vốn được hỗ trợ bởi những khoản ngân sách khổng lồ nhờ bùng nổ kinh tế. Hồi đầu năm, Trung Quốc thông báo kế hoạch chi 91,7 tỷ cho quân đội năm 2011.
Trình độ phát triển quân sự của Trung Quốc được cho là đi sau Mỹ 20 năm. Tuy nhiên, Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào những loại vũ khí nhằm vô hiệu hóa vũ khí của Mỹ. PLA đầu tư nhiều cho tàu ngầm. Họ cũng được cho là sắp triển khai loại tên lửa công phá tàu sân bay, có thể đánh đắm hàng không mẫu hạm đang ở cách nó khoảng 1.500 km. Nước này cũng đang chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình.
Tất cả những khí tài này có thể nhắm tới các căn cứ quân sự của Mỹ, tàu Mỹ, tàu sân bay Mỹ ở châu Á. Điều này sẽ khiến hạm đội Mỹ ở thế nguy hiểm hơn khi hoạt động gần vùng bờ biển của Trung Quốc, BBC nhận định.
Mai Trang