-
"Tôi có thể thông báo rằng Mỹ sẽ dỡ hoàn toàn lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Việt Nam, điều đã tồn tại trong khoảng 50 năm. Cũng giống như mọi đối tác quân sự khác của chúng tôi, các thương vụ sẽ có những yêu cầu khắt khe, trong đó có yêu cầu liên quan đến nhân quyền", Obama nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí. Điều này cho thấy quan hệ hai nước bình thường hóa hoàn toàn.
Ông Obama cho rằng sự thay đổi này sẽ đảm bảo để Việt Nam tiếp cận với vũ khí cần thiết để tự vệ. Nó cũng thể hiện cam kết của Mỹ nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam, bao gồm cả quan hệ quốc phòng mạnh mẽ với Việt Nam trong tương lai lâu dài ở khu vực.
Obama cho biết Việt Nam và Mỹ nhất trí thúc đẩy hợp tác quân sự, trong đó có việc huấn luyện cảnh sát biển, cung cấp tàu tuần tra, hợp tác chặt chẽ hơn để ứng phó với thảm họa nhân đạo.
-
Obama: "Dỡ bỏ vũ khí không phụ thuộc vào Trung Quốc"
Ông Obama cho biết quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí không phụ thuộc vào Trung Quốc hay bất kỳ yếu tố nào khác mà phụ thuộc vào mong muốn của Mỹ trong việc hoàn thành những điểm kết nối trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Đây là một tiến trình được bắt đầu tương đối gian nan với các cuộc đối thoại khó khăn từ nhiều năm trước, với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm John Kerry, thượng nghị sĩ John McCain cùng rất nhiều người khác từ cả hai chính phủ.
Theo thời gian, những tiến bộ mà hai bên đạt được ngày càng được mở rộng và sâu sắc hơn. Mỹ và Việt Nam đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, an ninh đến cứu trợ với sự tôn trọng lẫn nhau. Rõ ràng, hai nước hiện không nên duy trì lệnh cấm nào nữa, ông Obama nhấn mạnh.
-
Chủ tịch nước: TPP là bước tiến để Việt Nam hội nhập với thế giới
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết TPP là thỏa thuận liên kết thương mại và kinh tế lớn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam cũng như khu vực.
Đối với Việt Nam, TPP là một bước tiến mà Việt Nam tham gia để hội nhập với thế giới. Việt Nam đang cố gắng để thu hẹp những khác biệt dựa trên hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam tích cực chuẩn bị phê chuẩn TPP và cam kết sẽ thực hiện các điều khoản trong hiệp định.
Tổng thống Obama tin tưởng TPP sẽ được các nghị sĩ Mỹ thông qua, vì lợi ích của toàn thế giới. Ông cũng khẳng định Hiệp định sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ và cho Mỹ khả năng tham gia vào các vấn đề quan tâm. Ông "không nhìn thấy lập luận đáng kể nào" cho thấy thỏa thuận kết nối 12 nền kinh tế sẽ gây tổn hại cho Mỹ.
-
Obama: Tàu Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông
Obama cũng cho hay Mỹ và Việt Nam thống nhất khi ủng hộ trật tự khu vực, trong đó có Biển Đông, nơi các luật và quy định quốc tế được gìn giữ, tự do hàng hải, hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở, và nơi tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, theo quy định của luật quốc tế.
"Tôi muốn nhắc lại là máy bay, tàu Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển, hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của tất cả các nước khi hành động tương tự", Obama nói.
Tổng thống Mỹ muốn gặp người dân Việt, uống cà phê sữa đá
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói "xin chào", "xin cám ơn" bằng tiếng Việt khi mở đầu và kết thúc bài phát biểu, đồng thời nhắc đến món cà phê sữa đá với niềm thích thú.
-
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước có nhiều tiến bộ, đặc biệt là việc Việt Nam cấp phép cho đại học Fulbright hoạt động.
Hợp tác quốc phòng an ninh cũng có những bước phát triển phù hợp với yêu cầu của mỗi nước. Hai nước đã hoàn tất giai đoạn một quá trình tẩy độc dioxin tại Đà Nẵng và tiếp theo sẽ thực hiện dự án tại Biên Hòa.
Việt Nam và Mỹ sẽ tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế, xuất phát từ việc chia sẻ quan tâm, lợi ích chung ngày càng lớn, trên tinh thần tôn trọng thể chế của nhau. Chủ tịch nước tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác Việt – Mỹ sẽ càng được tăng cường qua chuyến thăm này của ông Obama.
-
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thành tựu hợp tác Việt – Mỹ sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định rằng trong hai thập kỷ bình thường hóa quan hệ, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Về ngoại giao, từ những cựu thù, hai nước đã trở thành bạn, đối tác, tăng cường hợp tác song phương và đa phương, chia sẻ ngày càng nhiều các mối quan tâm chung, đặc biệt là an ninh trong khu vực.
Về hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng 130 lần. Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 ở Việt Nam, và quan hệ hợp tác kinh tế hai nước còn có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là sau khi hai nước tham gia TPP.
-
Về hậu quả chiến tranh, thay mặt người dân Mỹ, trong đó có cựu binh, ông Obama cám ơn chính phủ và người dân Việt Nam vì nhiều năm giúp tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Mỹ sẽ tiếp tục giúp rà phá bom mìn. Khi nỗ lực chung giúp tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng sắp hoàn tất, Mỹ sẽ giúp tẩy độc dioxin tại căn cứ Biên Hòa.
-
Obama cho biết Việt Nam đón các tàu hải quân Mỹ tới cảng. Quân đội hai nước đang trao đổi thường xuyên hơn, hợp tác về an ninh hàng hải.
Tổng thống Mỹ Obama cho biết lần đầu tiên Peace Corps (Đội Hòa bình) của Mỹ sẽ đến Việt Nam. Lực lượng hải quân Mỹ có thể thăm Vịnh Cam Ranh nhưng chỉ khi được mời.
-
Obama cho biết Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm lâu dài ở cả Thái Bình Dương. Hai nước nhất trí nâng cao quan hệ hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Intel đầu tư ở Việt Nam, tập đoàn General Electrics cũng hợp tác cùng các trường đại học ở Việt Nam. Ông bày tỏ vui mừng khi trường đại học Fulbright được cấp phép, đánh giá cao việc Việt Nam cấp thị thực một năm và nhiều lần cho Mỹ.
-
Tổng thống Mỹ Obama thích đến Việt Nam khi về hưu
Một phóng viên hỏi Tổng thống Mỹ Obama rằng ông đã thăm hơn 50 nước trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo và Việt Nam là một trong hai nước nằm ở vị trí cuối. Người này muốn biết ông nghĩ thế nào về quan hệ Việt - Mỹ và Việt Nam quan trọng thế nào trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
"Tôi lẽ ra nên thăm Việt Nam sớm hơn", Tổng thống Mỹ Barack Obama trả lời. "Có thể lý giải thế này. Ở Mỹ, chúng tôi có câu 'Save the best for last' (tạm dịch Giữ lại điều tốt đẹp nhất đến phút cuối). Việt Nam là một quốc gia đặc biệt, tươi đẹp".
Ông cảm thấy không may bởi khi đến Việt Nam lần này, các cuộc gặp diễn ra liên tục và suốt cả ngày.
"Tôi hy vọng khi về hưu tôi có thể cùng gia đình đến Việt Nam. Tôi có thể dành thời gian tham quan Việt Nam, hiểu biết thêm về con người, thưởng thức ẩm thực và có lịch trình thoải mái hơn", Tổng thống Mỹ Obama nói.