Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm nay có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, diễn đàn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lần thứ 15 tổ chức tại Singapore.
Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông "đang cô lập họ, trong bối cảnh khu vực đang tìm đến nhau và phối hợp hành động", AFP dẫn lời ông Carter nói. "Thật không may, nếu những hành động này vẫn tiếp tục, Trung Quốc có thể tạo ra Vạn Lý Trường Thành tự cô lập".
Theo ông Carter, căng thẳng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang xây phi pháp các đảo nhân tạo để củng cố tuyên bố chủ quyền, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và chủ nghĩa bạo lực cực đoan đang thách thức hòa bình khu vực và "các chính khách cùng lãnh đạo phải... cùng hành động để đảm bảo một tương lai tích cực có nguyên tắc".
Ông nhắc lại Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng ủng hộ duy trì tự do đi lại trong khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục bay, giương buồm ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và ủng hộ các quốc gia thực hiện hoạt động tương tự.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết "mạng lưới an ninh có nguyên tắc" mà ông vạch ra thể hiện "làn sóng tiếp theo trong an ninh châu Á - Thái Bình Dương" và có thể còn giúp bảo vệ trước "những hành động gây lo ngại của Nga", "sự ảnh hưởng chiến lược ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu", Reuters đưa tin.
Mỹ và nhiều quốc gia châu Á đang tăng cường hợp tác an ninh để đảm bảo họ có thể đưa ra lựa chọn mà "không bị đe dọa hay ép buộc". Ông Carter kêu gọi hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc bởi Bắc Kinh theo đuổi chính sách phát triển quân đội nhanh.
"Mỹ muốn mở rộng các thỏa thuận quân đội - quân đội với Trung Quốc nhằm tập trung không chỉ vào giảm thiểu những nguy cơ mà còn để hợp tác thực tiễn", ông Carter cho biết. "Quân đội hai nước có thể cùng hợp tác, song phương hoặc là một phần trong mạng lưới an ninh có nguyên tắc, đối phó hàng loạt thách thức, như chủ nghĩa khủng bố và cướp biển, ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới".
Đối thoại Shangri-La là diễn đàn then chốt để thảo luận và phân tích về các mối quan ngại an ninh và quốc phòng, trong khu vực và xa hơn nữa. Hơn 600 đại biểu đại diện cho các nước ASEAN, châu Á, châu Âu và Mỹ dự hội nghị an ninh cấp cao ở Singapore. Hơn 30 quốc gia cử phái đoàn tham dự, trong đó có ít nhất 20 bộ trưởng quốc phòng. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc gặp song phương giữa những nước cả đồng minh và đối đầu.
Như Tâm