Colin Willett, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ khu vực Đông Á, cho biết Washington có "rất nhiều cách" để đối phó với bất kỳ động thái nào của Trung Quốc trong khu vực, theo Reuters.
Bà thêm rằng trong bối cảnh tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến đường 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra trên Biển Đông, Mỹ đang tích cực làm việc với các đối tác và đồng minh khu vực nhằm đảm bảo thiết lập một mặt trận thống nhất.
Bà Willett không dự đoán về phán quyết của tòa nhưng nhấn mạnh "Trung Quốc sẽ không được hưởng lợi gì nếu tiếp tục thực hiện những động thái khiêu khích".
Bà tái khẳng định quan điểm của Mỹ rằng phán quyết mà PCA đưa ra là ràng buộc đối với tất cả các bên và Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ xem phán quyết như "một cơ hội để khởi động lại những cuộc đối thoại nghiêm túc với các nước láng giềng".
Trung Quốc từng tuyên bố hơn 40 quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Song bà Willett cho rằng "có một số điểm đáng ngờ về nhóm này" và hiện chưa rõ họ "đã đồng tình với điều gì".
Philippines đệ đơn kiện lên PCA từ tháng 1/2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là không có căn cứ.
PCA tháng 10/2015 thông báo tòa có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines. Trung Quốc sau đó thông báo không chấp nhận phán quyết từ PCA, giữ quan điểm tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cần được giải quyết song phương và không tham gia vụ kiện.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước. Nhằm tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý này, từ năm 2014 Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động cải tạo và xây dựng trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Xem thêm: Sự thật về liên minh 60 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc
Vũ Hoàng