Thổ Nhĩ Kỳ có thể không đáp ứng được "yêu cầu tôn trọng dân chủ" của khối NATO nếu nước này không tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật sau cuộc đảo chính thất bại, Independent hôm nay dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Chiến dịch thanh trừng quy mô lớn của Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 đã khiến cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại, sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mô tả những người tổ chức đảo chính là "tế bào ung thư" cần bị "loại bỏ" khỏi các cơ quan công quyền.
Các lãnh đạo NATO khẳng định rằng cam kết "đảm bảo dân chủ, trong đó có việc chấp nhận sự khác biệt" là một trong 5 yêu cầu cơ bản đối với các thành viên trong khối. Tuy nhiên, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng "còn quá sớm" để khẳng định chiến dịch thanh trừng của ông Erdogan sẽ khiến nước này mất tư cách thành viên trong NATO.
Sau khi bắt giữ khoảng 6.000 sĩ quan, binh sĩ quân đội và thẩm phán, công tố viên trên khắp cả nước, Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay đã đình chỉ công tác hơn 8.000 cảnh sát vì bị nghi ngờ có dính líu đến cuộc đảo chính. Ông Erdogan tuyên bố những người tham gia đảo chính "phải trả giá", và chính phủ có thể khôi phục án tử hình để trừng phạt những "kẻ phản bội".
Trong cuộc họp báo chung với Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini, ông Kerry nói rằng Mỹ "đứng về phía các nhà lãnh đạo được bầu ở Thổ Nhĩ Kỳ", nhưng đồng thời hối thúc chính phủ nước này "giữ vững các tiêu chuẩn cao nhất trong việc tôn trọng các thể chế dân chủ và pháp trị của đất nước".
Bà Mogherini cũng cảnh báo rằng những nước thực thi án tử hình sẽ không được phép gia nhập EU, trong khi ông Kerry khẳng định "NATO cũng có yêu cầu tương tự về dân chủ", theo Washington Post.
"Mỹ ủng hộ việc đưa những kẻ đảo chính ra trước công lý, nhưng chúng tôi cũng cảnh báo hành động vượt quá giới hạn, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố nền pháp trị dân chủ", ông Kerry nói.
Xem thêm: Chiến dịch thanh trừng quân đội có thể làm suy yếu Thổ Nhĩ Kỳ
Việt Dũng