"Nó có hiệu lực ngay lập tức, các thủy thủ bị cấm trại, và không được phép uống rượu. Những lính sống bên ngoài căn cứ sẽ được di chuyển theo công việc và tham gia các hoạt động chính như đưa đón chăm sóc trẻ em, mua sắm ở cửa hàng tạp phẩm, trạm xăng và nơi tập gym", CBS News dẫn lại thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.
Thông báo được đưa ra sau khi hạ sĩ hải quân Aimee Mejia, 21 tuổi, đóng quân tại căn cứ Kadena ở Okinawa, đâm vào hai chiếc xe sau khi đi vào nhầm đường trên cao tốc trong tình trạng say xỉn. Mejia không hề hấn gì nhưng có hai người bị thương nhẹ.
"Chúng tôi sẽ không bỏ qua những hành động mang tính kém đạo đức mà ảnh hưởng tới năng lực thực hiện nhiệm vụ của chúng ta hay những hành động hủy hoại mối liên minh quan trọng với Nhật Bản", Phó đô đốc Joseph Aucoin cho biết.
Theo đó, tất cả các lính Mỹ trong căn cứ cũng được yêu cầu thực hiện huấn luyện cá nhân. Lệnh cấm trại và cấm uống rượu sẽ có hiệu lực đến khi cấp lãnh đạo "hài lòng khi tất cả các quân nhân hiểu tác động của hành vi có trách nhiệm".
Thiếu tướng Matthew Carter cho rằng các biện pháp kỷ luật này không nên được thực hiện một cách hời hợt. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ có mối quan hệ thân thiết với người dân Nhật Bản. Do đó mỗi lính Mỹ cần phải hiểu rõ hành động của mình ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ đó, tới mối liên minh hai nước nói chung.
Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh người dân Nhật Bản phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này sau một loạt vụ việc do quân nhân gây ra. Lệnh cấm uống rượu thực chất đã được công bố trong tháng trước, sau khi Kenneth Shinzato, 32 tuổi, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị bắt do có liên quan đến cái chết của một cô gái Nhật 20 tuổi. Shinzato làm việc tại căn cứ Okinawa.
Hồi tháng ba, một lính Mỹ khác bị bắt với cáo buộc hãm hiếp một du khách người Nhật đến Okinawa. Năm 1995, khoảng 85.000 người đã biểu tình sau khi ba quân nhân Mỹ bị cáo buộc bắt cóc và cưỡng hiếp một bé gái Nhật 12 tuổi. Vụ việc đã dẫn tới thỏa thuận rời Căn cứ không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ tới khu vực ít người sinh sống ở Okinawa, nhưng việc này không diễn ra. Nhiều người dân yêu cầu quân đội Mỹ rời hẳn khỏi đảo.
Hiện có 18.600 lính Mỹ đóng quân ở Nhật Bản, gần nửa số này nhận nhiệm vụ ở đảo Okinawa.
Ông Takeshi Onaga, Thống đốc Okinawa, cho biết cần có "một nghị quyết căn bản", cho rằng "các biện pháp của Mỹ để giữ lính đóng tại Nhật trong khuôn khổ chưa đủ mạnh mẽ". Có thể người dân Nhật sẽ tổ chức cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn vào ngày 19/6 tới.
Khánh Lynh