AP dẫn bản báo cáo của Lầu Năm Góc công bố hôm qua, cho hay Trung Quốc đã thu hẹp được những khoảng cách công nghệ, đồng thời hiện đại hóa một cách nhanh chóng các khí tài quân sự, với mục tiêu chuẩn bị cho những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai tại eo biển Đài Loan. Bản báo cáo cũng cảnh báo rằng sự phát triển quân sự của cường quốc Đông Á ngày càng hướng tới phía tây của Thái Bình Dương, và có thể sẽ gây cản trở cho sự tiếp cận cũng như hoạt động của Mỹ và các đồng minh tại đây.
"Tốc độ và quy mô của những nguồn đầu tư quân sự liên tục cho phép Trung Quốc có thể theo đuổi những mục tiêu nâng cao năng lực, điều mà chúng tôi tin rằng tiềm tàng nguy cơ gây bất ổn đối với các cán cân quân sự khu vực, đồng thời làm tăng nguy cơ gây bất hòa và những toan tính sai lầm, có thể khiến gia tăng căng thẳng trong khu vực", ông Michael Schiffer, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Á, cho hay.
Tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho hay Trung Quốc đã có được những tiến bộ vượt bậc về quân sự trong những năm qua. Trong đó, có việc bay thử một loại máy bay tiêm kích tàng hình mới, và gần đây nhất là việc cho chạy thử tàu sân bay Shi Lang. Ông Schiffer cho rằng giới chức Trung Quốc hy vọng hàng không mẫu hạm này có thể hoạt động trong năm tới, nhưng sẽ cần nhiều thời gian hơn để nó có thể là bãi đáp ổn định cho các máy bay. Ngoài tàu Shi Lang, Trung Quốc còn đang đóng nhiều tàu lớn và tàu hỗ trợ khác trong thập kỷ tới.
Bản báo cáo của Lầu Năm Góc được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực hàn gắn quan hệ trong thời gian qua. Sự căng thẳng và nhạy cảm tới từ các vấn đề như sự phát triển quân sự quy mô lớn không được giải thích thấu đáo, sự hỗ trợ không ngừng của Mỹ đối với Đài Loan, cũng như những thông tin về sự liên quan của Trung Quốc đối với những cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống mạng của chính phủ và quốc phòng Mỹ.
Đầu năm nay, khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới thăm Bắc Kinh, Trung Quốc đã cho bay thử máy bay tàng hình J-20. Ông Gates khi đó cho rằng Trung Quốc còn phải trải qua một chặng đường dài trước khi có thể triển khai loại phi cơ chiến đấu đặc biệt này với số lượng lớn, đồng thời dự đoán rằng vẫn còn một sự chênh lệch lớn giữa phi đội bay tàng hình của Mỹ với chiếc máy bay khó bị phát hiện của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bản báo cáo mới đưa ra của Lầu Năm Góc lại cảnh báo rằng loại máy bay tàng hình mới của Trung Quốc, cùng với những tên lửa tầm xa và nhiều cải tiến quân sự khác, có thể mang lại cho Bắc Kinh khả năng vươn tới các căn cứ không quân trong khu vực cũng như những cơ sở khác.
Trong khi đó, dân biểu Howard P. "Buck" McKeon của đảng Cộng hòa, đồng thời là chủ tịch Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ, cho rằng việc Bắc Kinh ngày càng cứng rắn, trong đó có những động thái ở tây Thái Bình Dương, đang làm gia tăng lo ngại và có ảnh hưởng lớn tới hòa bình cũng như ổn định của khu vực.
Máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc. Ảnh: Top81 |
Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc đã chi ra hơn 160 tỷ USD cho quân sự trong năm 2010. Cùng năm này, ngân sách quân sự của Mỹ là 550 tỷ USD, chưa tính tới chiến phí ở Iraq và Afghanistan. Mỹ luôn kêu gọi Trung Quốc công khai hơn về mục đích phát triển quân sự. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc cho hay Bắc Kinh tiếp tục khẳng định việc phát triển quân sự là nhằm mục đích hòa bình.
Ngay sau khi bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được công bố, truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng phản đối. Hãng tin Xinhua cho rằng bản báo cáo được trình lên Quốc hội Mỹ này là một "sự can thiệp và bóp méo sự thật". "Bản báo cáo dài 94 trang như thường lệ lại can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Trung Quốc, bằng việc đưa ra những bình luận có chủ đích liên quan tới vấn đề eo biển Đài Loan".
Đây là những diễn biến mới nhất trong mối quan hệ nhiều sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm ngoái, Bắc Kinh đã cắt mọi quan hệ quân sự với Washington, sau khi Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan. Quan hệ giữa hai cường quốc chỉ ấm dần từ đầu năm nay, sau khi các quan chức cấp cao hai nước có những chuyến công du qua lại giữa hai bờ Thái Bình Dương.
Nhật Nam