Trong một loạt thông điệp trên Twitter, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto chúc mừng người đồng cấp Mỹ mới, theo CBS News. "Chúng tôi sẽ thiết lập đối thoại trên cơ sở tôn trọng với chính phủ của Donald Trump để đem lại lợi ích cho Mexico", ông cho biết. "Vấn đề chủ quyền, lợi ích quốc gia và việc bảo vệ các công dân Mexico sẽ định hướng mối quan hệ của chúng tôi với chính quyền mới của Mỹ".
Tại Nga, lời hứa của ông Trump về việc sửa chữa quan hệ đã rạn nứt với Moscow khiến tầng lớp tinh hoa hứng khởi. "Chúng tôi sẵn sàng làm phần việc của mình để cải thiện quan hệ", Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố trên Facebook.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ, phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov hy vọng ông Trump sẽ làm việc với Tổng thống Vladimir Putin để giải quyết khủng hoảng Ukraine và các vấn đề khác, nhưng cũng cho rằng không nên kỳ vọng tiến trình sẽ diễn ra nhanh chóng. "Khó khăn sẽ vẫn còn đó", ông nói.
Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, hôm 20/1 cho biết Tổng thống Nga có thể sẽ không xem trực tiếp lễ nhậm chức nhưng sẽ xem thời sự sau. "Donald Trump không phải là bạn chí cốt của chúng tôi", ông nói.
Giáo hoàng Francis cũng gửi lời chúc mừng, hối thúc ông Trump quan tâm đến người nghèo, người vô gia cư và những người đang gặp khó khăn, đang "đứng trước của của chúng ta". Ông cầu nguyện để các quyết định của ông Trump sẽ được dẫn lối bằng "những giá trị tinh thần và đạo đức sâu sắc" đã định hình lịch sử Mỹ.
Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật, một trong những nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ, chúc mừng ông Trump chỉ vài phút sau khi ông tuyên thệ nhậm chức. Ông Abe muốn tăng cường quan hệ "vững chắc" giữa hai nước và mong chờ gặp ông Trump "vào dịp sớm nhất có thể", để gửi thông điệp về tầm quan trọng của liên minh Nhật - Mỹ ra thế giới. Truyền thông Nhật đưa tin ông Abe có thể thăm Mỹ cuối tháng này.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson phát thông cáo, cho biết ông muốn gửi lời chúc "nồng nhiệt nhất tới ông Trump". "Tôi biết hàng tỷ người muốn ông thành công trong những năm tháng tới, trước những thách thức lớn ông phải đối mặt", ông Johnson nói. "Chúng tôi tại Anh sẽ chung tay làm việc vì sự ổn định, thịnh vượng và an ninh của thế giới cùng Tổng thống Donald Trump".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng nước này mong chờ làm việc với ông Trump, chính quyền mới, quốc hội thứ 115 và các quan chức ở cấp bang và địa phương. Mục tiêu là "khôi phục sự thịnh vượng của tầng lớp trung lưu ở cả hai nước và tạo ra một thế giới an toàn hơn, hoà bình hơn".
Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, có giọng điệu khác. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo về "một hành trình gập ghềnh". "Điều chúng ta đã nghe hôm nay có giọng điệu chủ nghĩa dân tộc rất rõ nét", ông Grabriel nói với ZDF. "Tôi nghĩ chúng ta phải chuẩn bị cho một hành trình gập ghềnh".
Grabriel cho rằng châu Âu và Đức cần hiệp đồng để "bảo vệ các lợi ích của chúng ta". Ông cũng nói ông Trump "cực kỳ nghiêm túc" trong bài diễn văn nhậm chức, nghĩa là sẽ có hành động sau những lời hứa của ông về thương mại và các vấn đề khác.
Ông Trump nhậm chức hôm 20/1, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ông đã ký hai sắc lệnh đầu tiên tại Nhà Trắng, không lâu sau khi lễ diễu hành nhậm chức kết thúc.
Trọng Giáp