2h15 phút sáng nay (22h15 giờ Hà Nội đêm qua), hàng chục đặc nhiệm và cảnh sát Sydney đột kích quán cafe Lindt, nơi hàng chục nhân viên và khách hàng bị một tay súng bắt làm con tin trong suốt 17 giờ. Y là Man Haron Monis, người Hồi giáo cực đoan gốc Iran.
Trước khi đặc nhiệm tấn công, một nhóm 5 con tin đã chạy thoát ra ngoài. Tiếp sau đó, thêm một nhóm khác cũng thoát ra trong cảnh hỗn loạn. Đặc nhiệm tấn công và tiêu diệt kẻ bắt cóc. Tuy nhiên, hai con tin đã thiệt mạng do bị Monis sát hại, gồm viên quản lý của quán và một nữ luật sư.
Giới chức bang New South Wales tuyên bố vụ bắt con tin đã chấm dứt sau 17 giờ.
Cho dù Monis có hay không mối liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, vụ việc cho thấy sự ảnh hưởng của nhóm mang tư tưởng cực đoan này ở Australia. Y đã bắt các con tin giăng một lá cờ thể hiện đức tin của người Hồi giáo, sau đó ra yêu sách đòi giới chức mang đến cho y những lá cờ của IS, mỗi lá cờ nhận được, y sẽ thả một con tin. Việc sở hữu cờ IS là phi pháp ở Australia. Vụ việc này chứa động cơ chính trị.
Diễn biến
Vụ việc bắt đầu lúc 9h45 giờ địa phương ngày 15/12. Các nhân chứng cho biết một người đàn ông cầm súng đi vào quán cà phê Lindt ở khu phố thương mại Martin Place, Sydney, Australia. Y khá cao to, tầm gần 50 tuổi, vẻ ngoài giống người Trung Đông, đầu quấn một chiếc khăn đen có chữ Arab. Ban đầu mọi người nghĩ rằng đây là một vụ cướp có vũ trang.
Cảnh sát được gọi đến, nhưng cửa quán cà phê đã bị khóa và các con tin bị dẫn đến bên cửa sổ với một lá cờ đen có dòng chữ Arab màu trắng "Không có Chúa trời nào ngoài Thánh Allah, Muhammad là sứ giả của Thánh Allah". Lá cờ này được xác định không phải cờ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng từng được nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan khác sử dụng.
Nathan Grivas, nhân viên của quán Lindt Cafe, kể rằng anh đến muộn và thấy các đồng nghiệp bị ấn vào tường. "Quán đã bị khóa khi tôi đến. Tôi không nhìn rõ họ bên trong nhưng khi thấy súng thì tôi rời đi ngay lập tức", anh nói.
Hàng trăm cảnh sát có vũ trang và đặc nhiệm chống khủng bố được điều động để thực hiện nhiệm vụ giải cứu các con tin. Số lượng các con tin vào khoảng vài chục. Toàn bộ khu phố sầm uất xung quanh bị phong tỏa. Các chuyến tàu và xe buýt trong khu vực ngừng hoạt động.
Đây là khu vực tọa lạc của nhiều trụ sở quan trọng như Tổng lãnh sự Mỹ, kênh truyền hình 7 Network, tòa án tối cao, quốc hội...
Người dân được yêu cầu ở trong nhà, đóng kín cửa sổ, trong khi hàng nghìn nhân viên văn phòng ở bệnh viện, thư viện, tòa án, quốc hội gần đó đều được sơ tán. Ngay cả nhà hát Opera Sydney, cách đó 20 phút đi bộ, cũng hủy các buổi biểu diễn và tổ chức sơ tán sau khi một gói đồ khả nghi được tìm thấy.
Thủ tướng Australia Tony Abbott đánh giá vụ việc là đáng lo ngại và có động cơ chính trị. Đây là một trong những đe dọa an ninh lớn nhất ở Australia suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, ông kêu gọi người dân bình tĩnh.
"Australia là một xã hội hòa bình, cởi mở và hào phóng. Không gì thay đổi được điều đó và đấy là lý do tại sao tôi kêu gọi tất cả người dân Australia hôm nay hãy tiếp tục công việc như thường lệ".
Video hai nữ nhân viên của Lindt được giải thoát:
Cảnh sát đã nỗ lực liên lạc trực tiếp với kẻ bắt cóc trong quán cà phê để thương thảo và được biết kẻ bắt cóc đã ra yêu sách của y là đổi cờ của IS lấy con tin. Việc sở hữu cờ IS là bất hợp pháp tại Australia.
Y cũng tuyên bố đã "cài 4 quả bom ở Sydney", trong đó có hai quả ở Lindt.
Gần 6 giờ sau khi vụ việc xảy ra, ba con tin đầu tiên được giải thoát. Một tiếng sau đó, hai nhân viên của Lindt hoảng hốt tháo chạy khỏi quán.
Cho đến chiều, tổng cộng 5 người đã chạy thoát khỏi tay kẻ bắt cóc. Cảnh sát cho biết tiếp tục thương lượng với kẻ tấn công, trong khi y có vẻ như bị kích động. Các nhà bình luận cho rằng kẻ bắt cóc có thể không hành động một mình và vụ việc đã được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng, nhằm gây hậu quả tối đa.
Kẻ bắt cóc buộc các con tin đứng ra nói trước máy quay video, nhắc đi nhắc lại yêu sách của hắn về việc đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Tony Abbott, lấy cờ IS và nhắc đến mối đe dọa của "4 quả bom".
Phó chỉ huy cảnh sát New South Wales Catherine Burn cho biết giới chức sẽ làm việc suốt đêm, trong khi lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố được triển khai quanh hiện trường.
Trao đổi với VnExpress, Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh trong nhóm con tin bị giữ tại quán cafe Lindt có người Việt hay không. Sáng nay, ông Nghị cho biết không có con tin người Việt nào trong vụ việc.
Đêm qua, cảnh sát Sydney công bố danh tính của kẻ tấn công. Bên trong quán cafe, viên quản lý lao vào vật lộn với kẻ bắt cóc để giằng lấy vũ khí khi y có biểu hiện buồn ngủ. Cuộc đột kích của đặc nhiệm nhanh chóng kết thúc sau khoảng nửa giờ, trả lại tự do cho các con tin. Hai trong số các con tin thiệt mạng và một số người bị thương. Kẻ bắt cóc bị tiêu diệt.
Australia đối diện hiểm họa khủng bố
Vụ bắt cóc con tin ở Sydney diễn ra chỉ vài tháng sau khi Australia tiến hành chiến dịch chống khủng bố lớn chưa từng có. ASIO, cơ quan tình báo nước này, liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ tấn công nội địa đang gia tăng.
Australia có khoảng 500.000 người Hồi giáo, trong đó phần lớn sống ở Sydney và Melbourne. Đối tượng khiến chính quyền Australia quan ngại nhiều nhất là các thanh niên Hồi giáo bất mãn ở những vùng ngoại ô thành phố.
Khoảng 90 công dân Australia đã sang Iraq và Syria tham chiến với IS và những nhóm cực đoan khác, trong đó có 20 người đã thiệt mạng.
Hồi tháng 9, cảnh sát chống khủng bố cho hay họ đã đập tan âm mưu của một nhóm cực đoan định chặt đầu một người dân bất kỳ. Vài ngày sau đó, một thiếu niên ở Melbourne bị bắn chết sau khi tấn công hai cảnh sát chống khủng bố bằng dao.
Đầu tháng nay, phát ngôn viên của IS kêu gọi những người ủng hộ ở các quốc gia phương Tây, trong đó có Australia, tấn công dân thường hoặc các quân nhân tại nước nhà.
Cách đây hai tuần, chính phủ Australia đã thông qua luật an ninh mới, trong đó có tuyên bố "vùng cấm đến" ở Syria. Bất kỳ công dân nào đi đến những khu vực này có thể lĩnh án tù 10 năm.
Anh Ngọc