"Áp lực khủng khiếp đến nỗi về cơ bản là không thể có ai sống sót được", Bloomberg dẫn lời ông James Vosswinkel, một bác sĩ phẫu thuật thuộc Đại học New York, Mỹ cho biết. Chuyên gia này cho rằng những hành khách trên chuyến bay MH17 có thể không kịp nhận ra điều gì đã xảy ra. Bác sĩ Vosswinkel từng chỉ đạo cuộc nghiên cứu về chuyến bay TWA 800 phát nổ và rơi xuống đảo Long Island, New York năm 1996, làm tất cả 230 người thiệt mạng.
Nghiên cứu của ông Vosswinkel chỉ ra rằng chấn thương trong một vụ nổ giữa không trung đến từ ba nguồn, gồm sức ép của vụ nổ, sự giảm tốc mạnh khi phi cơ đang bay với vận tốc 800 km/h đột ngột bị dừng giữa không trung và tác động của vụ va chạm. Ngoài ra, việc mất áp suất trong cabin có thể gây giảm ôxy trong máu chỉ trong vài giây tại độ cao hơn 10.000 m, dẫn đến bất tỉnh. "Không ai còn tỉnh táo hoặc cảm nhận vụ rơi máy bay đó", ông nói.
Trong vụ tai nạn của chiếc TWA 800 năm 1996, hầu hết các thi thể của nạn nhân đều được thu thập. Máy bay rơi xuống biển nhưng phân tích cho thấy không có hành khách nào có nước trong phổi. Đây là bằng chứng về việc không ai còn thở khi rơi xuống nước.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dù ngồi đâu trong máy bay khi có tai nạn hoặc một vụ nổ giữa trời thì cũng không quan trọng. "Điều cơ bản là đây là một vụ việc không thể có người sống sót, đối với tất cả mọi người", ông Vosswinkel nói thêm.
Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17/7 đang trên đường từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì biến mất khỏi radar và rơi xuống vùng chiến sự Donetsk, miền đông Ukraine. Tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng. Theo dữ liệu ban đầu, các hành khách có quốc tịch Hà Lan, Mỹ, Anh, Nga, Malaysia, Việt Nam... Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết đội cứu hộ đã thu thập được 181 thi thể.
Trọng Giáp