Phóng viên ảnh chiến trường kỳ cựu Tim Page có cuộc trò chuyện với VnExpress nhân dịp tới TP HCM tham dự kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam thống nhất, 30/4.
- Ông nghĩ gì khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam làm phóng viên ảnh chiến trường?
- Tôi đến Sài Gòn vào giữa năm 1965, chỉ một tuần sau khi nhận được lời mời làm phóng viên ảnh từ hãng Telegraph, Anh, với mức thù lao 90 USD mỗi tuần. Đến Sài Gòn khi đó giống như bước chân vào một xứ sở trong chuyện cổ, giống một thị trấn thời thuộc địa từ những năm 1915. Một nơi pha lẫn sự cổ kính, rất lãng mạn nhưng cũng rất khốn khổ và điên rồ vì chiến tranh.
Mặc dù đã biết tình hình ở Việt Nam khi ở Lào trước đó từ 1962, lần đầu đến đây tôi vẫn không biết phải làm gì, không biết phải tìm kiếm cái gì để chụp. Nhưng bạn phải học rất nhanh, bởi vì nếu không thì bạn sẽ chết theo đúng nghĩa đen.
- Ông đối mặt với chuyện sinh tử thế nào?
- Tôi bị thương bốn lần. Lần đầu tiên là khi đi cùng thủy quân Mỹ tại Chu Lai năm 1965, tôi bị thương ở sườn, lần thứ hai là tại Đà Nẵng năm 1966, những mảnh đạn găm ở khắp trên trán, trên tay, lưng và cổ. Lần thứ ba cũng trong năm 1966, máy bay Mỹ tấn công nhầm một chiếc thuyền của chính Mỹ trên sông trong ba giờ đồng hồ, lính miền Nam Việt Nam và miền Bắc cũng nã súng liên tục từ trên bờ, tôi bị găm khắp mình 500 mảnh đạn, cả lớn cả bé. Và lần cuối là năm 1969, gần Củ Chi, khi tôi nhảy ra khỏi trực thăng của quân đội Mỹ để giúp đưa lính bị thương lên thì một người phía trước giẫm lên mìn. Anh ta bay lên cao 50 mét, cụt mất cả hai chân, còn tôi thì bị vỡ hộp sọ, nội tạng phơi ra ngoài.
Tôi phải trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài 9 tiếng đồng hồ tại Long Bình, một căn cứ quân sự Mỹ. Sau đó tôi phải điều trị tại Nhật 2 tuần, Washington, Mỹ, 2 tuần nữa cùng với 4 tháng nằm trong viện ở New York. Vì bị trúng đạn vào đầu nên nửa bên trái cơ thể của tôi bị liệt, phải mất 10 năm mới có thể cử động trở lại.
Mỗi lần tôi ra chiến trường với lính Mỹ, Hàn Quốc hay Australia, tôi đều chứng kiến có người bị thương hoặc thiệt mạng. Tôi chứng kiến rất nhiều người chết. Chiến tranh là thế.
- Ông ở đâu vào trưa ngày 30/4/1975?
- Tôi đã trở về Los Angeles. Sau khi bị thương nặng ở Việt Nam tôi hầu như không làm được gì, tôi cũng cộng tác với một số nơi nhưng sống tâm trạng nặng trĩu. Khi nghe tin Sài Gòn thất thủ, tôi đột nhiên òa khóc, tôi muốn có mặt ở đó để chứng kiến cảnh cuộc chiến kết thúc, nhưng tôi không thể đi vì tài chính eo hẹp. Nước mắt cứ trào ra vì quá nhiều cảm xúc hỗn độn.
- Vậy cảm xúc của ông hôm nay thế nào, khi trở lại Việt Nam thăm khu triển lãm ảnh Hồi niệm tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh?
- Nó cũng là một dạng cảm xúc phức tạp. Tôi nhớ bạn bè mình, những phóng viên ảnh chiến trường đã mất hoặc mất tích trong chiến tranh, nghĩ về sự vô nghĩa của chiến tranh, nghĩ về những mất mát và lãng phí của cuộc đời. Nhưng tôi cũng hạnh phúc vì còn có thể đứng đây nhớ về họ, để kể về họ với mọi người. Đó thực sự là cảm xúc không thể tả bằng lời.
- Ông còn đến những vùng chiến sự nào nữa ngoài Việt Nam?
- Thực ra hồi năm 1967 tôi từng đến Israel, đưa tin về cuộc chiến Arab - Israel, tôi cũng đến chiến trường Campuchia, Bosinia, Đông Timor. Tôi đến Afghanistan làm đại sứ hòa bình của Liên Hợp Quốc và dạy kỹ thuật chụp ảnh ở đó trong 3 tháng. Chiến tranh ở Việt Nam khác hẳn những chiến trận ở các nước đó. Đây là cuộc chiến vô nghĩa, không nên xảy ra. Thế nhưng chúng ta không thể nói một từ đơn giản "nếu", chúng ta không thể thay đổi lịch sử.
Do bị thương mà tôi không làm việc trong suốt 10 năm sau khi trở về từ Việt Nam, và chỉ bắt đầu làm trở lại vào năm 1980, làm cho các tờ Observer của Anh, BBC, Time and Life, Newsweek, National Georgraphic.
- Ông trở lại Việt Nam lần đầu tiên là khi nào?
- Năm 1980 tôi đến Hà Nội cùng một nhóm khách du lịch, nhưng nhiệm vụ chính vẫn là phóng viên của tạp chí Observer của Anh. Chúng tôi di chuyển từ Hà Nội đến Đà Nẵng, Đà Lạt, TP HCM, Cần Thơ và Củ Chi. Chuyến đi đó giống như là "khởi động" một sự "Đổi Mới" của cá nhân tôi. Tôi bắt đầu hiểu về thời tuổi trẻ của mình, khi đến Sài Gòn tôi mới 21 tuổi, tôi bắt đầu hiểu về lịch sử, đặt mọi sự lên một tầm nhìn rộng hơn.
Tôi trở lại Việt Nam liên tục trong các năm 1983, 1984 và 1985. Trong 6 tháng hồi năm 1985, tôi đi khắp Việt Nam với khoảng 18.000 km và chụp 635 tấm phim. Nhờ những chất liệu đó tôi viết cuốn sách đầu tiên của mình.
- Nơi nào ông muốn thăm lại nhất sau chiến tranh?
- Đà Nẵng là nơi lưu giữ cảm xúc mạnh nhất vì là nơi tôi dành phần lớn thời gian ở đó khi đưa tin về chiến sự. Trở lại nơi từng là chiến trường trong một thời điểm khác giúp tôi vượt qua được những ký ức tồi tệ.
- Ông nhận thấy Việt Nam sau chiến tranh như thế nào?
- Sau Đổi Mới, Việt Nam có nhiều đồ ăn hơn, có khách sạn, có điện, có máy điều hòa, đi lại thuận tiện hơn, giao lưu với mọi người cũng dễ dàng hơn. Nhờ đó tôi có nhiều bạn bè người Việt.
- Cuộc chiến ở Việt Nam đã thay đổi cuộc đời ông như thế nào?
- Nó làm thay đổi tất cả, nó làm nên cuộc đời tôi, nó từng giết chết tôi và cũng giúp tôi tồn tại. Chính vì thế mà tôi không thể đừng được việc trở lại Việt Nam, từ đó đến nay tôi đến Việt Nam trên 60 lần, giống như một kẻ "bị nghiện".
Tôi đang viết hai cuốn sách về Việt Nam và Campuchia cùng với vài cuốn sách ảnh và làm hai bộ phim. Triển lãm các bức ảnh của tôi về Việt Nam và Australia đang được tại trưng bày Queensland, Australia và sắp tới có một cuộc khác tại Canberra. Nói chung tôi vẫn làm việc bình thường vì không có trợ cấp gì.
Khi đến Việt Nam lần này tôi đã nêu lại đề nghị với Hội Cựu chiến binh TP HCM về việc giúp tìm các bạn bè của tôi mất tích ở Campuchia trong chiến tranh. Đó là những phóng viên ảnh có các tác phẩm về chiến sự ở Việt Nam, được nêu trong triển lãm "Hồi niệm" mà tôi và Horst Fass (phóng viên chiến trường nổi tiếng AP, cũng tác nghiệp trong chiến tranh Việt Nam) khởi xướng năm 1997. Fass giờ cũng đã mất và tôi muốn tiếp tục tìm kiếm các bạn bè mình.
Tôi cũng thường xuyên trở về Việt Nam và Campuchia để thực hiện các hội thảo và chụp những người bị tai nạn do bom mìn và tác động của chất độc màu da cam.
Tim Page sinh năm 1944 tại Kent, Anh. Khi mới 17 tuổi, ông đã rong ruổi đi khắp châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và Nepal. Năm 1962 ông làm phóng viên cộng tác với hãng tin UPI tại Lào. Sau đó ông đến Việt Nam đưa tin trong 5 năm tiếp theo, chủ yếu cộng tác với UPI, AP, Time Life và Paris Match. Page là một hình tượng của phóng viên ảnh chiến trường trong chiến tranh ở Việt Nam, các tác phẩm của ông là nguồn cảm hứng sống động cho nhiều bộ phim về đề tài này. Ông cũng là nhân vật của nhiều bộ phim tài liệu. Ông được đánh giá là một trong “100 phóng viên ảnh có ảnh hưởng nhất mọi thời đại" hồi năm 2010 do Mạng lưới Phóng viên ảnh của Anh bầu chọn. Ông là tác giả của 10 cuốn sách, trong đó có cuốn sách ảnh "Hồi niệm" (Requiem) đăng lại nhiều ảnh chụp bởi các nhà báo đã mất tích trong thời kỳ chiến tranh chống quân Nhật, Pháp và Mỹ ở Việt Nam. "Hồi niệm" đang được trưng bày trong Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại TP HCM. Hiện ông sống ở Brisbane, Australia và làm trợ giảng tại Đại học Griffith. |
Việt Anh